Nơi dừng chân của Tổng Tư lệnh Cách mạng tháng Tám
Đã từng biết đến một Tân Trào qua những thước phim tư liệu, qua những câu thơ thắm đượm ân tình: “…Mình đi mình có nhớ mình/ Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa…”, thế nên, dẫu lần đầu đặt chân đến vùng quê cách mạng này, trong chúng tôi ai cũng cảm thấy thân quen và bùi ngùi xúc động. Nơi đây, tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn để xây dựng Thủ đô lâm thời của Khu giải phóng.
Lán Nà Nưa, nơi Bác đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám
Trải qua thăng trầm lịch sử, thời gian, những di tích, địa danh ở Tân Trào vẫn vẹn nguyên dấu ấn khó phai của một thời kháng Nhật cứu quốc. Bước qua 79 bậc đá tượng trưng cho 79 mùa xuân cuộc đời Bác Hồ, lán Nà Nưa (Nà Lừa) - nơi Người đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám hiện ra trước mặt.
Trong lẩn quất khói hương, câu chuyện về quãng thời gian hoạt động của ông Ké - Bác Hồ qua chất giọng mượt mà, sâu lắng của cô hướng dẫn viên xinh đẹp người Tày như đưa chúng tôi trở về với những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.
Dưới căn lán này, những bữa cơm của Bác chỉ có măng rừng chấm muối, chan nước chè xanh. Chế độ ăn uống kham khổ cộng thêm muỗi, vắt “hoành hành” đêm ngày và công việc vất vả đã vắt kiệt sức lực của Bác. Lúc tình hình trong nước và quốc tế có lợi cho cách mạng Việt Nam, tháng 7/1945, Bác bị ốm rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi.
Giữa lúc sự sống và cái chết rất đỗi mong manh ấy, Người vẫn luôn một lòng đau đáu với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lời dặn dò của Bác với đồng chí Võ Nguyên Giáp vào giờ phút ấy đã trở thành bất hủ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”…
Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh nghe thuyết minh tại đình Tân Trào
Trên mảnh đất di tích này, mỗi địa danh đều ghi đậm dấu ấn, đều lắng đọng những câu chuyện cảm động về Bác. Đình Tân Trào - địa danh nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào là một trong số đó.
Đây là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội - sự kiện lịch sử trọng đại tạo tiền đề cho Cách mạng tháng Tám thành công. Đại hội đã quy định Quốc ca là bài hát Tiến quân ca của Văn Cao, Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh. Trước cửa Đình vẫn còn nguyên tảng đá thề - nơi cách đây 74 năm, Bác đã đứng bên tảng đá này đọc lời tuyên thệ, kêu gọi đồng bào nhất tề đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền.
Cách đình Tân Trào 500m là cây đa Tân Trào - một trong những biểu tượng và là chứng nhân lịch sử Cách mạng tháng Tám của dân tộc. Dưới gốc đa này đã diễn ra biết bao sự kiện lịch sử của đất nước.
Đặc biệt, đây là nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam vào chiều 16/8/1945. Trải qua gần 400 năm lịch sử, cây đa không ngừng hồi sinh bởi lớp cây con mới như một biểu tượng về sức sống và tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Cuộc sống mới trên “thủ đô gió ngàn”
Từ cái nôi cách mạng ấy, người dân Tân Trào hôm nay đã khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Không gian ăm ắp thanh bình bởi màu xanh mướt mát của lúa ngô, cây trái.
Dòng sông Phó Đáy uốn quanh đẹp như một nét vẽ, ôm lấy những mái nhà sàn bình yên. Theo tâm nguyện của Bác trong một lần về thăm lại Tân Trào, dòng suối Khuôn Pén ngày nào đã được người dân nơi đây ngăn làm đập thủy lợi. Dòng nước mát lành ấy đã tưới tắm cho cây trái, đã làm nên những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” và cuộc sống sung túc của người dân hôm nay.
Con đường đi vào lán Nà Nưa phải qua con suối Khuôn Phén- nơi đây giờ đã được ngăn đập thành hồ nước tưới cho cả cánh đồng dưới chân núi
Cùng với sự chuyển mình của Tân Trào trong phong trào xây dựng cuộc sống mới, xây dựng nông thôn mới, làng Tân Lập (trước là làng Kim Long) dưới chân núi Khau Tâm cũng chuyển mình trong nhịp sống sinh sôi. Ngôi làng nhỏ, nơi Bác đã từng sống trước khi chuyển đến lán Nà Nưa trước chỉ có 23 nóc nhà, giờ đã sầm uất hơn bởi có thêm nhiều gia đình mới. Trong nhịp sống hiện đại, làng Tân Lập vẫn giữ nguyên những nếp nhà sàn xưa cũ, kiên cường bám trụ theo đường vành đai ven núi.
Người dân Tân Lập hôm nay không chỉ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu sản xuất mà còn đổi mới tư duy, lấy du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế. Đó là những quầy hàng giới thiệu đặc sản của địa phương, những homestay, dịch vụ ăn uống giữ chân du khách; sự đổi mới trong cách ứng xử, giao tiếp của người dân để làm nên một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Bà Nguyễn Thị Khá ở thôn Tân Lập chia sẻ niềm vui khi cuộc sống ngày càng đổi thay nhờ phát triển dịch vụ du lịch
Bà Nguyễn Thị Khá (72 tuổi, ở thôn Tân Lập) hào hứng kể: “Ngoài quầy hàng giới thiệu những sản phẩm của núi rừng Việt Bắc, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi còn đầu tư 500 triệu đồng cải tạo nhà cửa để đón khách du lịch. Không riêng tôi mà cả cái làng này, giờ cuộc sống đã bước sang trang mới”. Nhiều người con trên mảnh đất Tân Trào đã bám trụ, làm giàu đẹp quê hương.
Cô gái người Tày - Lành Thị Kiên, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh Khu di tích Tân Trào chia sẻ: “Sau khi rời quê đi học, em đã trở về với mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình xây dựng quê hương và cảm thấy rất đỗi tự hào, thêm yêu quê mình sau mỗi lần giới thiệu, thuyết minh cho một đoàn khách mới”.
Ngôi nhà nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở dù được tu sửa khang trang nhưng vẫn giữ nguyên nét xưa cũ.
Chúng tôi chia tay Tân Trào trong cảm xúc bịn rịn. 74 năm trôi qua, vùng đất “hắt hiu lau xám” thuở nào đã đổi thịt thay da. Thủ đô kháng chiến xưa vẫn “đậm đà lòng son” với cách mạng.
Và trong hành trang của chuyến về nguồn, chúng tôi có thêm những câu chuyện cảm động về Bác, về mảnh đất, con người nơi đây để mỗi người luôn tự nhắc mình học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo gương Bác và luôn nhớ về cội nguồn cách mạng.