Sự cố kỹ thuật Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách chung. Ảnh: PetroTimes
Nhiều nguồn thu lớn đạt thấp
Số liệu từ Cục Thuế Hà Tĩnh, tổng thu ngân sách nội địa 6 tháng đầu năm đạt 2.523 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng đất 431 tỷ đồng, thuế phí 2.091 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm tỉnh giao, bằng 75% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giảm thu so với cùng kỳ do 6 tháng đầu năm 2015 có 981,5 tỷ đồng của Tập đoàn Formosa nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn (năm 2016 không phát sinh nguồn thu này) thì thực hiện 6 tháng đầu năm 2016 tăng 14% so với cùng kỳ.
Những kết quả tổng hợp cho thấy, một số chỉ tiêu có kế hoạch giao lớn nhưng tiến độ thực hiện 6 tháng còn thấp như: thu từ DNNN: 487/1.510 tỷ đồng (32%); thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài: 498/1.515 tỷ đồng (33%); thu công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 440/1.540 tỷ đồng (29%); thuế thu nhập cá nhân: 115/301 tỷ đồng (38%); tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: 9/228 tỷ đồng (4%).
Theo phân tích trên cơ sở thực thu, nhiều nguồn thu dường như không “đuổi” kịp được dự toán giao với nhiều nguyên nhân. Tính riêng trong nguồn thu từ DN, HTX, với 7.018 đơn vị đăng ký kinh doanh quản lý thuế thì có đến 35% đơn vị phá sản, giải thể, ngừng SXKD. Trong đó, có 1.866 đơn vị phát sinh 654,1 tỷ đồng tiền thuế phải nộp 5 tháng đầu năm, còn 2.458 đơn vị không phát sinh thuế.
Trong khi đó, tính đến đầu tháng 6/2016, một số “ông lớn” được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách trong năm nay lại chỉ “chốt” ở mức 14-35% kế hoạch trong khi một nửa thời gian đã đi qua. Đáng chú ý là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa ước nộp 160/1.130 tỷ đồng (14%); Nhiệt điện Vũng Áng I nộp 38,2/255 tỷ đồng, (bằng 15% so kế hoạch năm); Nhiệt điện Vũng Áng II do chưa triển khai nên chưa có thuế phát sinh trong khi kế hoạch giao 190 tỷ đồng; Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh nộp 1,2/10,2 tỷ đồng do đơn vị chủ yếu xuất khẩu và đầu tư dự án chăn nuôi bò, rau, quả không khấu trừ thuế đầu vào và không tính thuế đầu ra; Công ty Xăng dầu Vũng Áng nộp 76/252 tỷ đồng (30%); Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh nộp 148/420 tỷ đồng, bằng (35%); Công ty CP Sắt Thạch Khê chỉ nộp 382 triệu/133 tỷ đồng do kế hoạch khai thác chưa được thực hiện nên chưa phát sinh các khoản thuế, phí phải nộp;…
Cùng phân tích về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mới chỉ đạt 4% kế hoạch, ông Phan Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TX Kỳ Anh cho biết: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ sau khai thác của các mỏ đá tại địa bàn TX Kỳ Anh bị thu hẹp do các công trình xây dựng tại KKT Vũng Áng đã hoàn thành giai đoạn 1. Trong khi đó, đơn giá tính thuế, phí và tiền cấp quyền khai thác quá cao so với giá xuất bán thực tế… nên có khoảng 70% DN đã tạm ngừng hoạt động, số còn lại nằm bên bờ vực phá sản”.
Một lý do làm khó đơn vị thu khi đến nay chưa có quyết định phê duyệt giá chính thức của năm 2014, 2015 để quyết toán, đôn đốc thu nộp và xử lý vi phạm theo quy định.
Đặc biệt, gần đây nhất, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng đến SXKD, tiến độ thực hiện một số dự án của Tập đoàn Formosa nên làm chậm nộp thuế nhà thầu, thuế DN ngoại tỉnh tại khu vực này khoảng 300 tỷ đồng. Và, 550 hộ cá thể, 95 DN, tổ chức “ăn theo” biển như kinh doanh trong các nhà hàng, khách sạn, du lịch tại các bãi tắm, kinh doanh hải sản,…ước tính thiệt hại về thuế 6 tháng cuối năm khoảng 200 tỷ đồng.
Nhiều mỏ khoáng sản "án binh bất động" trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản mới chỉ đạt 4%.
Khối huyện khó chồng khó
Chiếm hơn 1/3 tổng số thu toàn ngành, tương đương với gần 3.000 tỷ đồng theo dự toán, nhiệm vụ thu ngân sách ở khối huyện, thị xã, thành phố trở nên “căng” hơn nhiều so với các năm lại nay. Tuy đã có rất nhiều cố gắng, song số thu nội địa 6 tháng đầu năm của các địa phương cũng đạt dưới 50% dự toán HĐND tỉnh giao.
Trao đổi về những khó khăn địa phương gặp phải trong quá trình hành thu từ đầu năm lại nay, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đức Thọ Trần Xuân Liên cho hay: “Những khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của người nộp thuế nên 6 tháng đầu năm, đơn vị mới thu đạt 64.223 triệu đồng, bằng 42,2% kế hoạch năm. Phân tích cụ thể 8/8 nguồn thu địa phương quản lý đều có những lý do dẫn đến đạt thấp so với kế hoạch. Đặc biệt, nguồn thu từ quốc doanh mới thu 42 triệu đồng/10,9 tỷ đồng (đạt 0,4%). Nguyên nhân được nhìn nhận ở đây là do từ đầu năm lại nay khối kinh tế này gần như “án binh bất động”. Ngoài ra, Chi cục còn được giao quản lý thu 2% các DN quốc doanh ngoại tỉnh đến kinh doanh trên địa bàn, nhưng từ đầu năm đến nay cũng không có DN quốc doanh ngoại tỉnh nào đến hoạt động, nên khả năng trong năm 2016 chỉ tiêu này không thực hiện được.”
Cũng chung hoàn cảnh với địa bàn Đức Thọ, tình hình thu ngân sách tại huyện Thạch Hà cũng không mấy tươi sáng hơn. Ông Trịnh Duy Phú – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thạch Hà chia sẻ: “Tính đến 28/6, tổng số thu trên địa bàn đạt 67.091 triệu đồng, bằng 24% kế hoạch năm. Riêng nguồn thu từ ngoài quốc doanh năm nay được giao cao hơn so với năm 2015, hiện nay mới chỉ đạt 13,4/46,5 tỷ đồng. Nguyên nhân được ông Phú lý giải ở đây là do số lượng DN, HTX đăng ký quản lý thuế bị “vênh” với số DN, HTX có phát sinh thuế. Theo đó, trên địa bàn huyện có 271 DN, HTX đăng ký quản lý thuế nhưng có đến 123 đơn vị không phát sinh thuế...”.
Khó khăn trong công tác đốc thu còn bị bao trùm ở hầu hết các chi cục khác trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài những nguyên nhân phân tích ở trên, không ít chuyên gia trong ngành cho rằng, dự toán giao chưa sát với thực tế cũng là điểm trọng yếu làm tình hình thu ngân sách ở khối huyện, thị đạt thấp so với kế hoạch.
Dự toán thu ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2016 được Bộ Tài chính giao 5.415 tỷ đồng, trong khi HĐND tỉnh giao 7.500 tỷ đồng, tăng 39% so với kế hoạch Bộ giao và trên cơ sở chỉ tiêu giao thu của tỉnh, Tổng cục Thuế còn giao chỉ tiêu phấn đấu cho tỉnh 11 tỷ đồng (tổng là 7.511 tỷ đồng - PV), trong khi đó, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn đã thật sự làm cho công tác thu ngân sách cũng chẳng mấy thuận lợi?.
(Còn nữa)