Là cửa ngõ ngắn nhất ra biển Đông của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, cảng Vũng Áng trở thành nơi giao lưu hàng hóa quốc tế sôi động trên hành lang kinh tế Đông Tây. Thời điểm này, cảng Vũng Áng tiếp nhận lượng lớn hàng quá cảnh: kali, quặng sắt, dăm gỗ... đi các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết: “Lượng hàng hóa thông quan cảng Vũng Áng sôi động nhất là từ tháng 3 đến nay. Không kể ngày lễ hay ngày thường, chúng tôi phải bố trí 100% quân số tập trung xếp dỡ, nhanh chóng giải phóng hàng để tàu rời bến đúng hẹn. Riêng kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, chúng tôi phải đảm bảo bốc dỡ hàng cho 4 tàu với tải trọng trên 100.000 tấn”.
Theo thống kê, 4 tháng đầu năm, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đảm bảo bốc xếp cho hơn 1,2 triệu tấn hàng hóa thông quan các cảng biển Hà Tĩnh (đạt 31% kế hoạch năm 2024 và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023). Qua đó, doanh thu của công ty đạt khoảng 70 tỷ đồng (đạt 30% kế hoạch năm 2024 và tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là kết quả cao nhất của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt trong 4 năm trở lại đây.
Không riêng cảng Vũng Áng, thời điểm này, cảng Sơn Dương cũng tiếp nhận 3 tàu hàng nhập than, quặng và 2 tàu hàng xuất khẩu phôi thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Với độ sâu lên đến –22m, cảng Sơn Dương có thể tiếp nhận các tàu hàng có trọng tải 35 vạn DWT và tàu container có sức chở đến 4.000 TEU. Đây là khu bến chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho liên hợp luyện thép và cơ sở công nghiệp khác xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Theo Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp giải quyết thủ tục hành chính cho hơn 1.100 tàu thuyền với sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Hà Tĩnh đạt hơn 10 triệu tấn (tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023). Dòng chảy hàng hóa lưu thông qua hệ thống cảng biển Hà Tĩnh những tháng đầu năm đang trên đà tăng, mang lại nhiều tín hiệu khởi sắc cho công tác thu ngân sách của địa phương.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đã thu hút 46 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn (tăng 8 doanh nghiệp so với năm 2023). Đến thời điểm này, đơn vị đã mở hơn 1.650 tờ khai thông quan (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 1,8 triệu USD (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023). Qua đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đã đóng nộp NSNN 2.995 tỷ đồng, đạt 34% dự toán được giao năm 2024 và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Bá Chiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Vũng Áng cho biết: “Hàng hóa thông quan qua cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương chủ yếu là: thép, phôi thép, dăm gỗ, máy móc thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất... Số thu ngân sách 4 tháng đầu năm tăng là nhờ các doanh nghiệp, nhất là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đẩy mạnh xuất nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cùng đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng cũng tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi thông quan để khơi thông dòng chảy hàng hóa, tạo đà tăng thu ngân sách”.
Kết quả tăng thu ngân sách qua cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương 4 tháng đầu năm đang là động lực thúc đẩy doanh nghiệp và lực lượng chức năng nỗ lực phấn đấu cho những tháng tới. Một trong những giải pháp trọng tâm được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng triển khai là kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh; đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan nhanh chóng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan... Với nhiều giải pháp đồng bộ, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đang tự tin tiến gần đến dự toán thu ngân sách 8.817 tỷ đồng được giao năm 2024.