Nếu muốn rút ngắn thời gian sạc iPhone, người dùng có thể tắt tính năng Tối ưu hóa sạc pin. Nghe có vẻ phi lý nhưng nó thực sự hiệu quả. Tối ưu hóa sạc pin xuất hiện lần đầu tiên trong bản cập nhật iOS 13. Nó sẽ ngăn iPhone nạp đầy 100% pin kể từ lúc cắm điện.
Thay vào đó, iPhone sẽ sạc 80% trong giai đoạn đầu rồi tạm ngừng, sau đó chờ đến khi bạn sắp dậy để sạc tiếp 20% còn lại. Hệ thống sẽ “học” lịch trình của bạn để đảm bảo vừa thức dậy là pin đầy 100%.
Trong một số trường hợp, tính năng Tối ưu hóa sạc pin sẽ không hoạt động đúng vào ban đêm và khiến iPhone không thể đầy 100% pin. Chính vì thế, nếu muốn sạc nhanh hơn, bạn hãy tắt nó đi.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng người dùng nên kích hoạt tính năng này nhằm giúp kéo dài thời lượng pin trên iPhone. Song, bạn không cần lo lắng về việc pin hỏng nếu tắt Tối ưu hóa pin, nhất là khi chỉ tắt vài lần lúc cần thiết.
Trên thực tế, tính năng này sẽ tự động bật trở lại vào ngày hôm sau theo mặc định. Vì vậy nếu muốn tắt lần nữa, bạn cần thiết lập lại bên trong phần cài đặt.
Năm 2017, Apple đã đối mặt với nhiều vụ kiện và chỉ trích sau khi bị phát hiện âm thầm giảm hiệu năng các mẫu iPhone bị chai pin. Apple cho rằng sau thời gian sử dụng, công suất tối đa của pin giảm có thể khiến iPhone gặp tình trạng tắt nguồn đột ngột.
Vì thế, hãng đã giới hạn tốc độ xử lý của những thiết bị này để giải quyết vấn đề, khiến cho hiệu năng iPhone không còn mạnh như trước và cải thiện thời gian sử dụng.
Về sau, Apple đã cung cấp tuỳ chọn tắt tính năng hạ hiệu năng, trong trường hợp người dùng vẫn muốn chiếc điện thoại của họ hoạt động hết công suất bất chấp những vấn đề có thể xảy ra.
Dù vậy sau hơn 3 năm, “bóng ma” từ chất lượng pin iPhone đời cũ vẫn chưa thôi ám ảnh Apple. Vào tháng trước, họ đã phải nộp khoản tiền phạt 113 triệu USD tại Mỹ vì bê bối pin yếu, “bóp” hiệu năng sau khi tuổi thọ pin giảm.
Tuy nhiên, số tiền đó cũng chưa đủ để kết thúc sự việc. Một nhóm người dùng tại Mỹ hiện vẫn đang kiện Apple, nhằm đạt thỏa thuận bồi thường trị giá tới 500 triệu USD. Trong khi đó, Táo khuyết bắt đầu nhận đơn kiện từ châu Âu.