Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm của người làm vườn nên các vườn cam bù ở Sơn Thọ luôn sai quả, quả to mọng và ngon ngọt
Lợi thế được phát huy
Diện tích cây ăn quả có múi ở Vũ Quang đang tăng nhanh, sản phẩm được thị trường ưa chuộng là nhờ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi đây vùng thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp. Theo khảo sát, trong tổng diện tích 64.615 ha của huyện thì có hơn 80% là vườn đồi, đất lâm nghiệp có thể trồng các loại cam, chanh và cây ăn quả có múi khác. Cùng đó là nguồn nhân lực dồi dào, luôn thủy chung với đất, nặng tình với cây và giàu kinh nghiệm làm vườn. Đặc biệt, những năm gần đây, người làm vườn đã biết kết hợp kinh nghiệm với việc ứng dụng KHKT, cơ giới hóa sản xuất và tham gia đào tạo, tập huấn nên đã tạo ra được nhiều chuyển biến tích cực về nhiều mặt...
Kết quả đó có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành thông qua việc ban hành những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây ăn quả có múi. Các chủ trương, chính sách lớn như Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh, Quyết định 1373 của UBND tỉnh, Nghị quyết 05 của HĐND huyện và các chính sách hỗ trợ khác do huyện ban hành đã được người dân “hấp thụ”“ tốt, tạo ra những tác động lớn, có sức lan tỏa cao. Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, ngoài các nguồn vốn vay thì tỉnh và huyện cũng hỗ trợ 12.306 triệu đồng để phát triển cây ăn quả có múi (chiếm 18,11% tổng mức đầu tư), trong đó, 10.919 triệu đồng của huyện. Từ nguồn đầu tư đó đã giúp người làm vườn có vốn phát triển sản xuất, được hỗ trợ để mua cây giống, sắm máy móc phục vụ tưới tiêu và bảo quản sản phẩm, được đi tham quan học tập các mô hình, được tiếp cận kiến thức KHKT mới...
Diện tích cây ăn quả có múi ở Vũ Quang đang tăng nhanh, sản phẩm được thị trường ưa chuộng
Vũ Quang cũng đã được quy hoạch để trở thành huyện có vùng sinh thái có lợi thế phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, trong đó, ưu tiên cam và bưởi. Cùng với đó, các địa phương đã dồn sức cho việc mở rộng các chợ nông sản đầu mối, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, lưới điện để phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc tập hợp, tuyên truyền, định hướng và giúp đỡ nhân dân đẩy mạnh sản xuất cũng đã được quan tâm hơn, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp, hội nông dân, hội phụ nữ...
Đổi đời từ cam, chanh...
Trước đây, hộ anh Nguyễn Quốc Toàn ở xóm Bình Phong (Đức Lĩnh) nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Nhưng nhờ khai hoang trồng cam, chanh và chú trọng sản xuất vườn đồi nên cuộc sống gia đình anh đã thay đổi hẳn. Để trang bị kiến thức nhằm chăm sóc tốt vườn cây, ngoài kinh nghiệm sẵn có, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn ngày, đi học hỏi các mô hình khác.
Anh cũng đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng diện tích, tăng số lượng cây ăn quả thay dần keo tràm với quyết tâm đoạn tuyệt với nghèo đói, vươn lên làm giàu từ vùng đồi hoang. Đất không phụ công người, đến nay, gia đình anh đã trồng được khoảng 2,5 ha cây ăn quả, dù mới cho thu hoạch nhưng năm trước đã cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng và năm nay chắc chắn sẽ cao hơn...
Qua sự xâu nối của Hội Nông dân huyện, Dự án SRDP đã hỗ trợ lắp đặt mô hình hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước cho các hộ trồng cây ăn quả ở Đức Bồng, qua đó góp phần chống hạn hán, chăm sóc cây trồng, nâng cao năng suất và chất lượng.
Ngoài anh Toàn, còn có hàng ngàn hộ có cuộc sống ấm no, thậm chí là giàu có nhờ cây ăn quả, tiêu biểu như hộ anh Lê Ngọc Lâm, Lê Khánh Toàn (Đức Bồng); Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đình Ngọc (Đức Lĩnh); Trần Hồng Thuận (Sơn Thọ) và nhiều hộ khác. Nhìn rộng ra, từ chỗ được xem là một vùng đất nghèo khó, dân quanh năm thiếu ăn, nhưng nhờ có hướng đi đúng nên những năm gần đây, điều kiện sống của người làm vườn đã được cải thiện rõ nét. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 8,7% và không có người trồng cây ăn quả thuộc diện này, số hộ giàu tăng lên nhanh chóng, mức thu nhập đã đạt 27 triệu đồng/người/năm...
Không chỉ dân giàu lên mà các địa phương cũng vững mạnh hơn nhờ cây ăn quả có múi. Toàn xã Đức Lĩnh hiện có 723 ha, trong đó có gần 300 ha cam chanh, còn lại là chanh và các loại cây ăn quả khác. Theo rà soát, trên địa bàn hiện có 315 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng/năm và hàng trăm hộ khác thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên từ cây ăn quả có múi. Ông Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã thông tin thêm: Tuy giá cả biến động nhưng nếu theo giá cam năm ngoái và giá chanh đầu vụ này thì mỗi ha cam bán được khoảng 500-700 triệu đồng, còn chanh là 150 triệu đồng. Như vậy, nếu chưa trừ chi phí sản xuất thì năm nay, người dân trên địa bàn Đức Lĩnh thu về hơn 200 tỷ đồng từ cây ăn quả...
Mở rộng tìm hiểu, chúng tôi được biết, những xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Vũ Quang hiện nay như: Đức Lĩnh, Sơn Thọ, Đức Giang và một số nơi khác đều là những địa phương có nhiều diện tích cây ăn quả. Theo thống kê, hiện nay, số diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn Vũ Quang có khoảng 2.136 ha với 3.650 hộ tham gia trồng, tăng 217% so với năm 2011 và mỗi năm đem về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng. Đây thực sự là một nguồn lực lớn, một nhân tố rất quan trọng để các địa phương đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống và sinh kế cho nhân dân...
(Còn nữa)