Công ty CP LASA (TX Kỳ Anh) là doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm bảo hộ lao động với 3 văn phòng đóng tại Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện nay, công ty đang cung cấp sản phẩm cho hàng nghìn đại lý kinh doanh sản phẩm bảo hộ lao động trên toàn quốc. Ngay từ khi mới thành lập (năm 2013), công ty đã ứng dụng số hóa, sử dụng các phần mềm để quản trị doanh nghiệp và tìm kiếm thị trường.
Anh Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty CP LASA cho hay: Ứng dụng chuyển đổi số đã giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn, cắt giảm thời gian, chi phí không cần thiết. Chúng tôi dễ dàng trao đổi công việc thông qua phần mềm quản trị giữa các văn phòng ở 3 miền và không phải dùng đến giấy tờ trong quy trình làm việc. Cùng đó, công ty ứng dụng nền tảng số trong marketing, bán hàng qua nhiều website, sàn thương mại điện tử để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Chúng tôi đã cập nhật, số hóa sản phẩm trên các nền tảng, do đó, khi khách hàng gõ tìm kiếm sản phẩm bảo hộ lao động sẽ nhìn thấy sản phẩm của công ty LASA. Để tận dụng tối đa thế mạnh công nghệ số hóa, chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật các phần mềm, công cụ tiên tiến. Trung bình mỗi năm, công ty chi hàng trăm triệu đồng để sử dụng phần mềm quản trị, bán hàng”.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển kinh doanh trong năm 2024, anh Hiếu cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, công ty đã ký kết hợp tác với 2 hãng sản phẩm mới và đưa vào thị trường Việt Nam. Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu tiếp tục gia tăng các đại lý; doanh thu tăng 1,5 lần so với năm 2023.
Là doanh nghiệp lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin, MobiFone Hà Tĩnh đã tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho Chính phủ, các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh đã góp phần quan trọng để MobiFone Hà Tĩnh giữ vững thị phần viễn thông truyền thống và tăng trưởng doanh thu 200% mỗi năm ở lĩnh vực không gian mới.
Ông Phạm Lương Trung - Phó Giám đốc MobiFone Hà Tĩnh cho biết: MobiFone Hà Tĩnh đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ số ngoài viễn thông như: kinh doanh hạ tầng số, cung cấp các nền tảng, giải pháp số - nội dung số, xây dựng hệ sinh thái số MobiFone hoàn chỉnh. Cùng đó, đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực phát triển mới kết nối di động, giải pháp công nghệ thông tin doanh nghiệp và dịch vụ số. Hiện MobiFone đã xây dựng được một hệ sinh thái số với các giải pháp giáo dục số mobiEdu, truyền thanh thông minh, y tế số, tài chính số và văn phòng không giấy tờ Smart Office…
Theo ông Trung, tại Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp chuyển đổi số của Mobifone như: hóa đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, bảo hiểm điện tử, phần mềm bán hàng, quản trị sản xuất… Năm 2024, MobiFone Hà Tĩnh phấn đấu tăng trưởng 120% kế hoạch giao, phát triển 500 khách hàng mới sử dụng giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp, tiếp tục là đơn vị top đầu trong ứng dụng và kinh doanh các giải pháp chuyển đổi số tại địa bàn tỉnh. Đây cũng là năm đánh dấu sự tham gia sâu sắc của MobiFone vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong tất cả các lĩnh vực Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số.
Hoạt động trong lĩnh vực thiết kế - sản xuất – thi công sản phẩm kết cấu thép, Công ty TNHH Đại Dương Buiding (TP Hà Tĩnh) cũng đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, số hóa quy trình sản xuất.
Anh Nguyễn Hữu Đức – Giám đốc Công ty Đại Dương Buiding chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư nhiều máy móc, công nghệ hiện đại, tự động hóa các khâu sản xuất, nhờ đó tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh, phát triển mạng lưới khách hàng tốt hơn. Mặc dù chi phí đầu tư công nghệ cao nhưng chúng tôi đã tối ưu hóa năng suất lao động, giảm khoảng 50% chi phí nhân công. Năm 2024, công ty đang dự định xây dựng thêm nhà máy, đầu tư thêm máy móc với mục tiêu là xây dựng công trình cho các dự án của các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh”.
Có thể thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tùy theo mức độ ứng dụng, hiện nay hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước cập nhật các phần mềm, ứng dụng số hóa trong sản xuất kinh doanh để đạt hiệu quả tối ưu, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý sản xuất và kinh doanh, hình thành phong trào chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, Sở Thông tin & Truyền thông phối hợp với các đơn vị đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn trang bị kiến thức chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: cách thức viết nội dung quảng cáo, ứng dụng AI để xây dựng kế hoạch, nội dung; giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp tổng thể (ERP); đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá, bán hàng trên nền tảng số...
Theo ông Nguyễn Tiến Trình – Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hiện đại hóa quy trình sản xuất, kết nối gần hơn với khách hàng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Trong thời đại số hiện nay, nếu không cập nhật, áp dụng các công nghệ mới, mô hình, giải pháp mới thì doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu và không thể cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ trên thương trường. Song để bắt kịp công nghệ, nền tảng số, đòi hỏi các chủ doanh nghiệp phải nhanh nhạy, tư duy và am hiểu về chuyển đổi số, khai thác được giá trị của các công nghệ, phần mềm ứng dụng.