Tiết mục "Phụ tử tình thâm" do Kim Oanh và học trò Linh Chi biểu diễn tại Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh 2018
Ấn tượng với diễn viên Kim Oanh và Trịnh Linh Chi trong tiết mục đạt giải A tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2018 - “Phụ tử tình thâm”, chúng tôi đã tìm về vùng biển cửa Lộc Hà để gặp gỡ người biểu diễn. Thực ra, tiết mục “Phụ tử tình thâm” là nơi để CLB Dân ca ví, giặm xã Thạch Bằng “khoe” mầm tài năng Linh Chi, sự góp mặt của Kim Oanh chỉ đóng vai trò như diễn viên phụ, làm nền cho diễn viên chính tỏa sáng. Ấy thế mà không hiểu sao tôi lại rất ấn tượng với nữ diễn viên đóng vai người mẹ trong tiết mục ấy.
Đúng như dự đoán của chúng tôi, ngoài đời, Kim Oanh chính là người đã “nhen nhóm” tình yêu dân ca ví, giặm cho cô học trò nhỏ, miệt mài kèm cặp, dạy hát cho học sinh của mình. Đó là một trong vô vàn những hoạt động trao truyền tình yêu dân ca ví, giặm trong nhân dân, học sinh của nữ cán bộ Trung tâm VH-TT&DL huyện Lộc Hà Nguyễn Thị Kim Oanh.
Sau những miệt mài, lặng lẽ vận động, truyền dạy, những người nông dân quen với mặn mòi sóng biển đã mềm mại trong những khúc hát dân ca và tự tin biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ.
Sinh năm 1987 ở Thạch Xuân (Thạch Hà), từ nhỏ đến lớn, Kim Oanh là một cô bé nhút nhát, ít tham gia các hoạt động bề nổi. Thế rồi, trong một chương trình văn nghệ của Trường THPT Lý Tự Trọng, Kim Oanh được chọn vào hát trong một hoạt cảnh dân ca ví, giặm. Từ đó, tố chất giọng hát của Kim Oanh đã được phát hiện và đó chính là lý do để cô lựa chọn thi vào Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du rồi theo đuổi con đường hoạt động văn hóa cơ sở sau khi tốt nghiệp.
Kim Oanh cho biết: “Ở trường, giáo viên không truyền dạy cho chúng tôi cách hát dân ca ví, giặm. Những năm đầu khi công tác tại huyện Lộc Hà, phong trào hát dân ca ví, giặm ở đây hoàn toàn là con số không. Mãi đến năm 2012, khi tỉnh có chủ trương thành lập các CLB dân ca ví, giặm thì chúng tôi mới bắt đầu gây dựng phong trào hát dân ca ví, giặm trong nhân dân. Khó khăn nhất đối với chúng tôi là ở Lộc Hà không hề có nghệ nhân hát dân ca ví, giặm, những cán bộ văn hóa trẻ như tôi phải tự tìm tòi, học hỏi rồi đến từng thôn, từng lớp học vận động người dân, truyền dạy cho học sinh hát lại những điệu hát cổ của cha ông”.
Nỗ lực truyền dạy của Kim Oanh và đồng nghiệp đã được đền đáp khi trong nhiều tiết mục, các diễn viên không chuyên đã trở thành người hát chính xuất sắc, tự tin tranh tài cùng các đội bạn
Bằng trách nhiệm của một cán bộ ngành văn hóa, Kim Oanh đã tự xem băng đĩa của các nghệ nhân dân ca ví, giặm nổi tiếng như Hồng Lựu, Tiến Dũng (Nghệ An) rồi tìm học theo các nghệ nhân ở các huyện lân cận trong tỉnh. Dần dà, cô đã tích lũy được những kỹ thuật, kinh nghiệm hát dân ca ví, giặm và có thể hát được nhiều làn điệu như xẩm, hò, ví, giặm… Có “vốn liếng”, Oanh và đồng nghiệp mới lặn lội đến từng thôn, từng nhà để vận động người dân tham gia. Một lần họ không đồng ý thì đến lần 2, lần 3.
Bên cạnh đó, Kim Oanh cũng hướng tới việc mở rộng phong trào hát dân ca trong các trường học. Cách để nhen nhóm niềm say mê hát ví, giặm của Kim Oanh là trực tiếp hát cho họ nghe. Và rồi, cái dí dỏm, thông minh, cái trữ tình lắng sâu của các làn điệu ví, giặm cùng sự miệt mài của Kim Oanh và đồng nghiệp đã thuyết phục được nhiều người.
Kim Oanh đã kiên trì đánh thức tình yêu dân ca ví giặm trong thế hệ trẻ
Em Linh Chi - học sinh lớp 8A Trường THCS Phù Lưu cho biết: “Dân ca ví, giặm rất khó hát, có những lúc em cũng nản chí, nhưng sự kiên trì của cô Kim Oanh đã thuyết phục được em. Không chỉ dạy em ở trung tâm văn hóa huyện, cô Oanh còn đến tận nhà để dạy hát cho em. Nhờ đó, em đã biết hát rất nhiều bài và thường xuyên tham gia biểu diễn trong các hoạt động văn hóa của xã, huyện”.
Sau 10 năm lặng lẽ, cần mẫn khơi dậy phong trào văn hóa cơ sở vùng biển cửa, Kim Oanh đã góp phần không nhỏ trong việc gây dựng phong trào hát và biểu diễn dân ca ví, giặm trong nhân dân và các trường học. Với Kim Oanh, thức dậy được niềm yêu mến dân ca trong đông đảo nhân dân mới là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.