Sự hỗ trợ máy cày đa chức năng đã góp phần thúc đẩy phong trào cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của các xã vùng dự án. |
Dự án được thực hiện tại 13 xã của 3 huyện: Kỳ Anh, Thạch Hà và Đức Thọ. Ngoài 13 xã dự án, Tiểu ban quản lý dự án tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại 5 xã xây dựng NTM tại huyện Can Lộc và Lộc Hà.
Theo ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc, việc tài trợ máy nông nghiệp cho nông dân trong thời điểm hiện nay là phù hợp với mục tiêu phát triển của dự án, đồng thời cũng hỗ trợ đắc lực cho địa phương trong việc nâng cao năng lực sản xuất.
57 chiếc máy cày hỗ trợ cho 18 xã vùng dự án và xã xây dựng NTM lần này là những loại nông cụ đa năng, có thể đảm bảo vận hành hiệu quả cho việc cày, bừa, làm đất trên ruộng nước, ruộng cạn, chuyên chở vật tư phân bón, sản phẩm sau thu hoạch, rạch hàng, đánh luống trồng cây màu, xới đất...; trị giá trên 36 triệu đồng/chiếc. Đối với các xã miền núi, CIDA hỗ trợ 75% kinh phí; các xã đồng bằng được hỗ trợ 50% kinh phí.
Anh Nguyễn Tiến Đàn - xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh) phấn khởi cho biết: “Được dự án hỗ trợ 75% kinh phí mua máy cày, gia đình tôi và bà con trong xã rất phấn khởi vì lâu nay do điều kiện kinh tế khó khăn không thể tự sắm được máy móc sản xuất để đỡ sức lao động cũng như giảm chi phí thuê máy. Vụ hè thu này trở đi, không những không phải thuê máy cày ruộng, tôi còn lái máy của mình đi cày cho bà con”.
Theo các chuyên gia thực hiện dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh, việc lựa chọn đầu tư hỗ trợ phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp xuất phát từ điều kiện sản xuất quy mô lớn đang từng ngày được khẳng định trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt là trong mấy năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều cánh đồng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng. Nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất; thực hiện dồn điền đổi thửa; quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; xây dựng hệ thống giao thông nội đồng kiên cố để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hoạt động.
Một thực tế hiện nay là, các hộ sử dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, thói quen, phần lớn chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng máy. Do đó, trong quá trình vận hành thường xảy ra những sự cố về kỹ thuật trong khi người sử dụng không đủ trình độ xử lý. Bên cạnh đó, chế độ bảo quản, bảo dưỡng máy ít được tuân thủ theo đúng nguyên tắc cơ bản nên làm giảm tuổi thọ của máy...
Để giúp các hộ tham gia mô hình biết cách sử dụng và phát huy hiệu quả máy, trước khi bàn giao máy cho các hộ dân, cán bộ khuyến nông đã phối hợp với cán bộ kỹ thuật của đơn vị cung ứng máy tổ chức tập huấn kỹ thuật vận hành, sử dụng, bảo dưỡng và bảo quản từng loại máy. Đồng thời, tiếp tục thông qua các mô hình khuyến nông, giới thiệu, quảng bá các loại máy nông nghiệp, các thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nhằm cung cấp cho nông dân những kiến thức cần thiết để áp dụng, nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giải phóng sức lao động, tăng giá trị thu nhập và nâng cao hệ số sử dụng đất, đem lại hiệu quả kinh tế cao và hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.