Vụ thu hoạch bưởi Phúc Trạch năm nay diễn ra trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến người trồng Hương Khê không khỏi lo lắng.
Những ngày đầu tháng 8, ông Trần Đình Nghị cùng 30 thành viên Tổ hợp tác trồng bưởi Anh Quân ở xã Phúc Trạch (Hương Khê) không khỏi lo lắng khi vườn bưởi đã vào chính vụ thu hoạch trong lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Thị trường tiêu thụ thu hẹp, quá trình vận chuyển khó khăn là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng – tiêu thụ sản phẩm cho người trồng bưởi Hương Khê.
“Trong lúc người dân đang loay hoay về việc tiêu thụ sản phẩm, cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức hội đoàn thể và các sàn thương mại điện tử đã vào cuộc để đồng hành cùng người dân trồng bưởi. Nhờ đó, đến nay, nhiều vườn bưởi của tổ hợp tác chúng tôi đã được tiêu thụ hết” - ông Nghị phấn khởi.
Việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân một cách bền vững, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá” là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền nhiều năm qua. Với nhiều nỗ lực, năm nay, bài toán này đã bước đầu tìm được lời giải.
Các đơn vị ký và trao đổi biên bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tại hội nghị xúc tiến, kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh (ảnh chụp ngày 31/8).
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để giúp bà con tiêu thụ bưởi, vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thành công hội nghị xúc tiến tiêu thụ bưởi Phúc Trạch theo hình thức trực tuyến kết nối với hơn 300 điểm cầu đến các đại biểu ở Trung ương, tỉnh bạn và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Hội nghị xúc tiến lần này đã góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Hoạt động này cũng mở ra nhiều cơ hội mới, nâng tầm thương hiệu bưởi Phúc Trạch, kết nối đưa sản phẩm đặc sản của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Nhân viên sàn thương mại điện tử Voso.vn tổ chức livestream tại các vườn bưởi.
Ngoài giải pháp về kết nối, quảng bá đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên huyện Hương Khê…đã trực tiếp liên hệ với các hội tỉnh bạn để kết nối tiêu thụ hàng trăm tấn bưởi.
Theo thống kê của huyện Hương Khê, đến nay, toàn huyện đã tiêu thụ gần 15 nghìn tấn bưởi (hơn 70% sản lượng). Trong đó, một số sàn giao dịch thương mại điện tử có sản lượng tiêu thụ cao như: Postmart 130 tấn, Voso 50 tấn, Hatiplaza.com trên 20 tấn; các sàn Shopee, Lazada, Sendo tiêu thụ trên 35 tấn/sàn.
Vụ cam năm nay, toàn huyện Vũ Quang ước đạt sản lượng hơn 30.000 tấn.
Những ngày này, các vườn đồi ở huyện Vũ Quang cũng đang tất bật chăm sóc để bước vào vụ thu hoạch. Được biết, năm nay, sản lượng cam toàn huyện ước đạt hơn 30.000 tấn. Để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, cấp ủy, chính quyền các cấp Vũ Quang đang cùng người dân xây dựng các giải pháp kết nối thị trường và xúc tiến đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang Nguyễn Trường Thọ cho biết, nhằm giúp người dân thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm cam, huyện đã thành lập tổ công tác chuyển đổi số, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai, thực hiện chuyển đổi số trên sản phẩm cam Vũ Quang. Cùng với đó là liên kết, phối hợp với các sàn thương mại điện tử ra mắt gian hàng cam Vũ Quang trên các sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo...
Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo Hội Nông dân tổ chức các buổi hội thảo liên quan đến sản xuất nông nghiệp, liên kết chuỗi, hỗ trợ bà con nông dân livestream bán hàng để linh hoạt tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương".
Huyện Vũ Quang đã thành lập tổ công tác về thực hiện chuyển đổi số cam Vũ Quang nhằm giúp người dân thuận lợi trong khâu tiêu thụ.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Sở Công thương đang xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch, chính sách liên quan đến phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản và các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là tại khu vực nông thôn và các loại hình có tính lan tỏa như trung tâm logistics, chợ đầu mối... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản.