Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ dân sinh

(Baohatinh.vn) - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các chợ dân sinh ở Hà Tĩnh vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo, nhất là khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ dân sinh

Giò lụa được bày bán ngay cạnh thịt sống trên nền xi măng tại chợ thành phố Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, chợ dân sinh là kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa phổ biến nhất. Đặc biệt, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều tiểu thương tại các chợ đã bắt đầu chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân sắm tết. Việc đảm bảo ATVSTP đối với các mặt hàng là điều được đặc biệt quan tâm lúc này.

Ở chợ thành phố Hà Tĩnh và nhiều chợ dân sinh khác, đa số các mặt hàng chế biến sẵn như: dưa muối, cà muối, giò, chả, thịt quay, nem… được bày bán không được che đậy, bảo quản cẩn thận. Tại nhiều gian hàng, các loại thực phẩm đã qua chế biến cũng được đặt ngay cạnh thực phẩm sống mà không có nơi bảo quản riêng.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ dân sinh

Nhiều sản phẩm làm sẵn được tiểu thương chợ thành phố Hà Tĩnh đựng trong những chậu nhựa có màu đen do bụi bẩn bám vào, sản phẩm không được che đậy.

Chị Lương Cẩm Trang (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: "Tôi rất băn khoăn vì không biết nên chọn thực phẩm như thế nào cho gia đình khi mà phần lớn thực phẩm ở chợ đều chưa qua kiểm duyệt, nhiều nơi bán hàng chế biến sẵn còn không có nhãn mác, chỉ biết nguồn gốc qua lời giới thiệu của người bán.

Còn thực phẩm được bán ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tuy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bao bì nhãn mác đầy đủ nhưng giá khá cao, trong khi người tiêu dùng bình dân như chúng tôi chưa thể có một túi tiền phù hợp."

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ dân sinh

Các mặt hàng như giò, chả... không được che đậy cẩn thận

Dịp tết, các loại thực phẩm như: giò, chả, nem… được tiêu thụ nhiều hơn ngày thường. Đây là mặt hàng có nguy cơ cao về việc sử dụng các chất cấm trong chế biến thực phẩm. Thế nhưng, dạo quanh nhiều chợ tại thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… các mặt hàng này phần lớn đều chưa có sự kiểm soát và chứng nhận về chất lượng của cơ quan chức năng. Các loại giò, chả, nem còn không được che đậy cẩn thận, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định, chưa đáp ứng yêu cầu ATVSTP.

Bà L.T.N (tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh) cho hay: Các loại giò, chả đều được lấy từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ tại thành phố và khu vực lân cận nên không có nhãn mác. Nhưng giò, chả thơm, ngon và đã bán nhiều năm nên tết này, khách quen đến mua và đặt hàng khá nhiều.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ dân sinh

Các loại bánh, kẹo, mứt, hạt hướng dương, hạt bí... được đóng gói trong các túi nilon lớn, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại các chợ dân sinh.

Tết cũng là thời điểm mà các mặt hàng kém chất lượng có cơ hội xâm nhập vào thị trường. Các loại đồ khô như: nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, cá, tôm, mực khô được bày bán khá nhiều trong các túi nilon lớn nhưng không hề có thông tin về nơi sản xuất, hạn sử dụng… Khi hỏi người bán thì chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời chung chung là hàng được sản xuất tại địa phương nên cứ yên tâm mà… dùng!

Các loại mứt, bánh, kẹo, hạt bí, hạt hướng dương… cũng được bày bán rất nhiều ở các chợ dân sinh, nhất là vào dịp tết, số lượng mặt hàng này tăng gấp nhiều lần. Những mặt hàng này đa dạng về chủng loại, màu sắc bắt mắt nhưng lại được đóng gói trong các bao nilon không nhãn mác. Vì thế, người mua khó biết được nơi sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ dân sinh

Các mặt hàng như tôm, mực khô, khô gà, mứt tết, bánh kẹo... là những sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn vào dịp tết.

Cứ mỗi dịp đến tết nguyên đán, chị Hồ Phương Thảo (thị trấn Thạch Hà) đều mua vài kg hạt hướng dương, hạt bí, ít mứt dừa, bò khô… để mời khách.

Thế nhưng, khi hỏi về nguồn gốc của các sản phẩm nói trên, chị Thảo cho biết: “Tôi thường mua ở chỗ quen tại chợ, khi mua, người bán cũng chỉ lấy sản phẩm từ những túi ni lon lớn, không có nhãn mác. Thế nên, các thông tin về nơi sản xuất, hạn sử dụng tôi không nắm được. Theo cảm quan tôi thấy sản phẩm không bị mốc hay hư hỏng gì, người bán lại là chỗ thân quen nên vẫn yên tâm sử dụng.”

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ dân sinh

Một quầy hàng vừa bày bán thực phẩm sống xen lẫn thực phẩm chế biến sẵn tại chợ Cày (thị trấn Thạch Hà).

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh khuyến cáo: dịp tết, nhu cầu mua bán, tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng, đặc biệt tại các chợ dân sinh sẽ tăng cao. Do đó, người tiêu dùng cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin từ cơ quan chức năng để cập nhật kiến thức, thông tin về ATVSTP.

Khi mua hàng, hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng đều phải được in đầy đủ trên nhãn. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng không nên ham rẻ, sản phẩm không rõ ràng, không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm...

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ dân sinh

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Hà Tĩnh tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến kiến thức về ATVSTP cho các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

“Thời gian này, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, sẽ tổ chức các buổi kiểm tra các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSTP theo quy định của pháp luật", ông Phan Văn Hùng cho biết thêm.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.