Tiếng địa phương Hà Tĩnh: Nghe qua giọng nói, thấy lời quê hương

(Baohatinh.vn) - Trải qua hàng nghìn năm, các vùng phương ngữ đã trường tồn và hợp thành tiếng nói của dân tộc. Việc giữ gìn, phát huy vẻ đẹp tiếng địa phương Hà Tĩnh trong tiến trình hội nhập ngôn ngữ văn hóa đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm, trao đổi.

Tiếng Việt như mọi ngôn ngữ trên thế giới là công cụ của tư duy và phương tiện giao tiếp trong đời sống xã hội. Theo Maspéro - nhà nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông nổi tiếng - thì nước ta có 3 vùng gồm: phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung và phương ngữ Nam. Theo đó, cùng với tiếng Nghệ An, tiếng Hà Tĩnh thuộc vùng phương ngữ miền Trung xét trên cả 3 phương diện ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp. Chính những đặc điểm trên đã làm nên nét riêng độc đáo của tiếng nói quê ta, rất đáng trân trọng, giữ gìn.

Tiếng địa phương Hà Tĩnh: Nghe qua giọng nói, thấy lời quê hương

Làng Tương Nịu (xã Phù Việt cũ) nay là thôn Trung Tiến, xã Việt Tiến, Thạch Hà (Hà Tĩnh), được hình thành từ giữa thế kỷ XIV, có tên là làng Yên Thường (xã Trú Viết xưa). Trong ảnh: Cổng chính vào đình làng Tương Nịu

Trước hết, trong cấu trúc âm tiết, tiếng địa phương Hà Tĩnh thường thiếu vắng âm đệm. Âm đệm trong tiếng Việt đứng ngay sau thủy âm, thường là một nguyên âm hoặc một bán nguyên âm. Nó có chức năng làm “mềm hóa” âm tiết, mang lại sự uyển chuyển linh hoạt, mềm mại khi phát âm. Đây được coi là khác biệt căn bản làm nên sắc điệu riêng trong giọng nói của cư dân Hà Tĩnh từ xưa đến nay. Người Bắc thường nói: lúa, lửa, nứa, đường, nước, trâu, sâu.. thì trong tiếng Hà Tĩnh lại lần lượt thành là: ló, lả, ná, đàng, nác, tru, su... Dễ bắt gặp nhiều trường hợp có sự biến đổi của âm đầu như: “gi” thành ra “tr” như “giữa” thành “trửa” trong “chính giữa”/ “chính trửa” hoặc tuy có âm đệm nhưng chuyển hóa, thay thế âm đệm như “lý luận” thành “lý luịn”, “quân sự” thành “quin sự”...

Sự thiếu vắng âm đệm hoặc các hiện tượng biến âm kiểu như thế, lâu thành thói quen phát âm đã làm cho tiếng nói người Hà Tĩnh mang đậm chất miền Trung, có phần thô cứng, ít nhuần nhuyễn nhưng lại làm nên khẩu âm riêng biệt không dễ pha trộn với tiếng nói các vùng miền khác. Có người lý giải điều đó do mối liên hệ đời sống sinh hoạt của người miền Trung với một môi trường tự nhiên của vùng đất khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng, giông bão, gió lào quanh năm... Lối “ăn sóng, nói gió” hàng nghìn năm đã kết tinh thành một thứ thổ sản ngôn ngữ, ăn sâu trong máu thịt cộng đồng người Hà Tĩnh.

Tiếng địa phương Hà Tĩnh: Nghe qua giọng nói, thấy lời quê hương

Làng cổ Khổng Yên (còn gọi là làng Khoóng) thuộc xã Đức Yên cũ, nay là thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Cùng với sự thiếu vắng âm đệm, các nhà nghiên cứu dễ dàng nhận ra rằng, trong 6 thanh điệu vốn có của tiếng Việt gồm huyền (\), sắc (/), nặng (.), hỏi (?), ngã (~) và không dấu thì tiếng Hà Tĩnh thường có sự nhập đôi hoặc chuyển hóa thanh điệu giữa sắc (/) với nặng (.), ngã (~) với hỏi (?)... Chẳng hạn, như “đi củi” thành “đi cúi”, “đánh thắng” thành “đành thẳng”, “núi” thành “nủi” hoặc “kỹ thuật” thành “kỷ thuật”...

Nhiều từ ngữ trong tiếng Hà Tĩnh không có trong ngôn ngữ chung của tiếng Việt, tạo nên một lớp từ vựng địa phương cực kỳ phong phú, tự nó đã góp phần làm giàu cho kho từ vựng tiếng Việt. Chẳng hạn như “mũ” thì nhiều nơi gọi là “mạo”, “miều”; “bể nước” thì gọi là “bể cạn”, “nhăng”; “vung” gọi là “vàng”; “mẹ” gọi là “mệ”; “giàn bếp” gọi là “kến”; “váy” gọi là “mấn”; “vợ chồng” gọi là “gấy nhôông”, “sân” thì gọi là “cươi”... Từ “mần” trong tiếng Hà Tĩnh có đến 29 nghĩa phái sinh, từ “nác” cũng có đến 15 cách kết hợp khác nhau... Phần lớn các từ vựng trong tiếng địa phương Hà Tĩnh không liên quan đến các yếu tố vay mượn trong từ Hán Việt. Điều này nói lên tính độc lập và sức sống bất diệt của tiếng nói người dân bản địa trước âm mưu đồng hóa, nô dịch, xâm lược của ngoại bang.

Dưới góc độ ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, lớp từ địa phương như thế đã trở thành rào cản trong giao tiếp của người bản địa với người vùng khác. Nhưng ở khía cạnh từ vựng học, chính nó đã tạo nên bản sắc riêng có của tiếng Hà Tĩnh, tự nó đã làm giàu có thêm nét đặc sắc của kho từ vựng tiếng Việt.

Tiếng địa phương Hà Tĩnh: Nghe qua giọng nói, thấy lời quê hương

Đường về xã nông thôn mới nâng cao Tượng Sơn (Thạch Hà). Ảnh PV.

Người Hà Tĩnh thường có lối hội thoại thiếu chủ ngữ, người “trong nhà” không cho đó là lối phát ngôn thiếu tế nhị. Đó là thói quen dùng câu tĩnh lược, lâu thành quen. Trong giao tiếp hiện nay, mặc dù ngôn ngữ văn hóa đã ăn sâu trong đời sống, bản đồ thổ âm Hà Tĩnh dần thu hẹp, các đảo thổ ngữ cư dân vùng ven biển, vùng núi Hương Khê hay một số địa phương ở Đức Thọ vốn có nay cũng đã thay đổi nhanh chóng nhưng tùy hoàn cảnh giao tiếp, mọi người vẫn sử dụng các từ ngữ đậm chất địa phương trong chào hỏi, xưng hô như: “enh”, “ả”, “mụ”, “tau”, “mi”, “hấn”, “choa”... một cách gần gũi, thân tình... Đúng là, nghe qua giọng nói thấy lời quê hương!

Giáo sư Nguyễn Nhã Bản từng chỉ ra nét độc đáo về “Lát cắt thời gian trong tâm thức người Nghệ”, thứ đặc sản mà không hề có trong Anh ngữ và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Khi chỉ thời gian thì có “bựa ni, bựa qua, bựa sơ tể, bựa sơ tề” hoặc “bựa ni, bựa mai, bựa mốt, bựa mốt tể, bựa mốt tề”... Đúng 5 ngày!

Ở Hà Tĩnh nhiều người biết đến kiểu “nói lối Yên Huy” (Can Lộc). Đó là thói quen sử dụng ngôn ngữ hết sức thông minh, tài tình, lái ngôn ngữ vào những câu chuyện đời thường thâm thúy, dí dỏm, thường là để mua vui, chọc ghẹo hoặc phê phán cái xấu, cái ác và bày tỏ niềm lạc quan vào cuộc sống. Tiếng Hà Tĩnh cũng đã đi vào ngôn ngữ văn chương với những từ ngữ xuất hiện không ít, cả trong sáng tác của Đại thi hào Nguyễn Du “Lời quê chắp nhặt rông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”.

Suốt hàng nghìn năm trong dòng chảy lịch sử dân tộc, tiếng địa phương Hà Tĩnh đã không ngừng tồn tại, phát triển, trở thành di sản văn hóa thiêng liêng, độc đáo và vô cùng quý báu, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của một vùng quê địa linh nhân kiệt.

Tiếng địa phương Hà Tĩnh: Nghe qua giọng nói, thấy lời quê hương

Đánh cá - mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn mới ở xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân). Ảnh tư liệu.

Việc bảo tồn tiếng địa phương Hà Tĩnh cần được đặt ra theo hướng “gạn đục khơi trong”, kế thừa và phát triển. Sẽ là sai lầm khi phủ nhận những giá trị ngôn ngữ độc đáo của tiếng Hà Tĩnh. Mặt khác, cũng sẽ không thỏa đáng khi không làm cho tiếng Hà Tĩnh hội nhập, tiếp biến, xích gần các chuẩn mực chung của ngôn ngữ văn hóa. Hiện đã có các cuốn từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh của GS-TS Nguyễn Nhã Bản, của nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập với hàng nghìn mục từ trên các dẫn liệu ca dao, thành ngữ, tục ngữ, lời hát dân ca ví, giặm. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần số hóa các từ điển này để bảo tồn lâu dài và thuận tiện cho công tác học tập, tra cứu, sử dụng tiếng địa phương Hà Tĩnh.

Tiếng nói quê ta tuy mộc mạc, giản dị, dân dã nhưng không kém phần ấm áp, trữ tình, sâu lắng và thanh cao như chính cốt cách và tâm hồn người Hà Tĩnh. Đó sẽ mãi là những viên ngọc quý được trao truyền, làm mạch nguồn cuộc sống cho muôn đời con cháu, để “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”!

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.
Podcast truyện ngắn: Đời biển

Podcast truyện ngắn: Đời biển

Anh hiểu rằng, những chuyến ra khơi không bao giờ dễ dàng, nhưng biển cả luôn cho anh thấy sức mạnh, niềm tin và sự kiên cường - điều đã trở thành máu thịt của cuộc đời mình.
Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Nhân vật mà Lee Byung Hun thủ vai, vốn là người điều hành loạt game ở mùa 1, lại xuất hiện với tư cách thí sinh ở mùa 2. Khoảnh khắc này khiến khán giả ngạc nhiên và tranh luận.
Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Hôm nay, ánh nắng mang một tâm trạng thật khác lạ, nhẹ nhàng và dịu dàng như một thiếu nữ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời với sự mong chờ xen lẫn chút tiếc nuối...
3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

Đền Nam Phong ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được trùng tu, xây dựng khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.