Không rõ tục dựng cây nêu ngày tết của người Việt có tự lúc nào, tuy nhiên theo Alexandre de Rhodes (1591-1660) – một trong những giáo sĩ phương Tây đến và có thời gian sinh sống ở Việt Nam khá dài, đã nghiên cứu rất kỹ phong tục, tập quán, lịch sử nước Việt Nam, thì phong tục này chắc hẳn đã có từ nửa đầu thế kỷ XVII.
Trong cuốn Vương quốc Đàng Ngoài, ông đã mô tả ở miền Bắc nước ta vào mỗi dịp tết như sau: “Trồng cây nêu vào cuối năm, trồng bên cạnh nhà, một cột nêu cao hơn nóc nhà, trên ngọn buộc một cái thúng hay một cái hộp nhỏ có đục nhiều lỗ, bên trong đựng thoi vàng giấy, bạc giấy để cha mẹ quá cố vào cuối năm có thể trả nợ khi cần thiết”. Còn tại miền Nam, tác giả Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) trong cuốn Gia Định thành thông chí cũng đã viết: “Ngày 30 tháng Chạp, nhà nào cũng trồng một cây cột tre ở trước cửa, trên đầu buộc một cái giỏ tre, trong đựng trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng, giấy bạc, gọi là dựng cây nêu”.
Mỗi dịp tết về, khắp các làng quê Hà Tĩnh lại tưng bừng dựng cây nêu (Ảnh tư liệu)
Sở dĩ tục dựng cây nêu ngày tết đã gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt tự rất lâu bởi một lẽ, theo quan niệm của người Việt thì việc trồng cây nêu ngày tết là nhằm để “Quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh…” - (Kho tàng Truyện Cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi).
Trồng nêu để làm dấu hiệu là đất có chủ, ma quỷ không được dòm ngó quấy nhiễu. “Cây nêu được làm như vậy chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết trong gia đình của người đang sống. Bằng ánh sáng và bằng gai của các cành cây mà nó mang, bằng âm thanh mà các vật đất sét phát ra lúc gió thổi, cây nêu làm ma quỷ sợ hãi, chúng tưởng mình đang đứng trước nhà một vị thần hay một Đức Phật…” (Hội hè lễ tết của người Việt, Nguyễn Văn Huyên).
Ngoài ra, theo quan niệm của người Việt, cây nêu còn được coi là cây vũ trụ nối liền giữa đất và trời, thể hiện triết lý âm dương giao hòa, cuối năm trồng cây nêu vươn lên cao là để đón không khí ấm áp của mùa xuân, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống viên mãn, hạnh phúc…
Có một điều rất dễ nhận thấy, đó là sau một thời gian khá dài bị mai một, vắng bóng dần trong các dịp tết thì những năm gần đây, mặc dầu cuộc sống có nhiều thay đổi, tốc độ độ thị hóa ngày càng cao nhưng nhiều giá trị văn hóa cổ truyền đang quay trở lại, trong đó việc dựng cây nêu ngày tết đã dần được phục hồi và tiếp biến linh hoạt với cuộc sống hiện đại. Tục dựng cây nêu đã và đang lan tỏa trong nhiều xóm làng, ngõ phố trên địa bàn tỉnh ta.
Sự thay thế và cách tân này làm cho cây nêu ngày càng trở nên đẹp và thu hút nhiều người trồng loại cây đặc biệt này trước nhà (Ảnh tư liệu)
Vào dịp tết, đi dọc theo tuyến Quốc lộ 1A từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, theo Quốc lộ 8B từ thị xã Hồng Lĩnh lên Hương Sơn, tuyến đường ven biển Bắc Thiên Cầm sẽ thấy phong trào dựng cây nêu ngày càng phát triển. Đặc biệt là khi qua các xã như Vượng Lộc, thị trấn Nghèn (Can Lộc), Việt Tiến, Tân Lâm Hương (Thạch Hà), Yên Hòa, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên)… chúng ta sẽ thấy hầu như nhà nào cũng trồng cây nêu. Những cây nêu vươn cao giữa bầu trời với đủ màu sắc càng làm cho không khí mùa xuân thêm ấm áp, lòng người thêm xao xuyến, tình yêu quê hương được bồi đắp, lắng tụ thêm.
Mặc dù chủ yếu vẫn là dùng cây tre để làm cọc nêu nhưng ngày nay người ta lại chọn những cây thật đẹp, càng dài càng tốt, thậm chí nhiều nơi còn dùng tre vầu là một loại tre thẳng, dài từ 10 – 15m để làm cọc nêu. Ngoài ra, một số gia đình còn dùng cả những cây sắt dài để thay thế cho cây tre như trước đây.
Dựng cây nêu ngày tết là phong tục đẹp nhưng cần cẩn thận để tránh tai nạn về điện
Vật liệu để làm nêu hiện nay cũng khá đa dạng, xung quanh cây nêu thường được quấn bằng những nắm lá cây đùng đình, quấn theo kiểu cách mắt làm cho người ta liên tưởng đến những bậc thang đi lên trời. Trên đỉnh ngọn nêu, ngoài các vật dụng truyền thống như trầu cau, vôi, giấy vàng, giấy bạc còn được treo thêm một lá cờ Tổ quốc, một chiếc lồng đèn, bóng điện hoặc một cái chuông gió. Phần thân cây nêu hiện nay thường được quấn từ gốc đến ngọn bằng một dây bóng nháy đủ màu sắc, khi về đêm trông lung linh rất đẹp.
Thời gian dựng nêu cũng không nhất thiết phải vào ngày 23 tháng Chạp và hạ nêu vào ngày mồng 7 tháng Giêng như trước nữa, có khi nó được dựng sớm và hạ muộn hơn, tùy vào bố trí công việc của từng gia chủ.
Có thể nói rằng, cây nêu ngày tết hiện nay, ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, nó còn là sự thỏa mãn về mặt thị hiếu thẩm mỹ của người dân. Trong thời đại hội nhập ngày nay, bên cạnh tiếp thụ những yếu tố văn hóa mới thì việc giữ gìn, bảo lưu những truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại là rất cần thiết, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Tài liệu tham khảo:
- Alexandre de Rhodes (2008), Vương quốc Đàng Ngoài, Công ty Sách Dân trí, TP Hồ Chí Minh.
- Trịnh Hoài Đức (2010), Gia Định thành thông chí, Nxb tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Văn Huyên (2017), Hội hè lễ tết của người Việt, Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Nhất Thanh (2015), Đất lề quê thói, Nxb Văn học, Hà Nội.