Từ vài năm trước, giới công nghệ bị cuốn vào cuộc tranh luận về độ phân giải tiêu chuẩn cho màn hình smartphone. Apple sử dụng Retina Display cho iPhone, trong khi phần lớn các hãng Android dùng màn hình từ Full HD (FHD) đến Quad HD (QHD). Sony thậm chí đẩy độ phân giải tới mức 4K, gấp bốn lần FHD.
Theo thời gian, ngành công nghiệp chấp nhận sự đa dạng độ phân giải màn hình smartphone. Một số mẫu điện thoại cao cấp năm nay sử dụng màn hình QHD, còn số khác, như Motorola Edge Plus, LG Velvet hay Huawei P40 lại trang bị màn hình FHD+.
Ưu điểm của QHD là khả năng hiển thị rõ nét nhờ mật độ điểm ảnh lớn. Theo Android Authority , yếu tố này rất quan trọng đối với smartphone cỡ lớn. Độ phân giải cao cũng giúp hạn chế hiện tượng răng cưa, cải thiện trải nghiệm chơi game. Nhưng mật độ điểm ảnh (PPI) lớn sẽ gây sức ép cho vi xử lý đồ họa, có thể làm giảm tốc độ khung hình (FPS) và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.
Mắt người nhận biết mức độ chi tiết dựa trên kích thước và khoảng cách tới màn hình. Ví dụ, chất lượng hiển thị của màn hình 5 inch và độ phân giải FHD gần như không thay đổi bất kể cầm máy sát tới mức nào.
Mối tương quan giữa mật độ điểm ảnh mà mắt thường nhìn thấy, kích cỡ màn hình và khoảng cách cầm smartphone. Ảnh: Android Authority.
Đối với thiết bị có màn hình từ 6 đến 7 inch và độ phân giải FHD+, người dùng sẽ nhận ra đôi chút khác biệt ở khoảng cách dưới 30 cm. Tuy nhiên, việc giữ smartphone quá gần mắt lại ảnh hưởng tới thị lực.
Ngoài ra, màn hình độ phân giải cao như QHD hay FHD+ thường có khung hình rộng hơn. Ở khoảng cách xem thông thường, Màn hình của Motorola Edge Plus chất lượng FHD+ và dòng Galaxy S20 với độ phân giải WQHD+ vượt xa khả năng phân biệt bằng mắt thường.
Một điểm quan trọng khác là chất lượng nội dung hiển thị. Phần lớn video phát trực tuyến vẫn là 1080p (FHD), đôi khi là 4K. Tất nhiên, video chỉ hiển thị hoàn hảo khi phát ở độ phân giải gốc hoặc tăng giảm theo số nguyên. Do tỷ lệ màn hình QHD (1440p) không tương đồng với nội dung 4K hay 1080p, video chiếu trên màn QHD bị giãn hình, trông mờ hơn màn FHD.
Hạn chế về thời lượng pin
Hạn chế lớn nhất khi nâng cấp từ FHD lên QHD là thời lượng pin. Dù mật độ điểm ảnh thấp hơn, màn hình FHD ít tiêu hao tài nguyên của thiết bị.
Thời lượng pin tỷ lệ thuận với độ phân giải và tần số quét của màn hình smartphone. Ảnh: Android Authority.
Qua thử nghiệm, smartphone dùng QHD tốn nhiều hơn 12% pin so với FHD. Trong đó, hai tác vụ ngốn nhiều năng lượng nhất là chơi game và xem video. Nếu chỉ dùng tính năng cơ bản như lướt web, sự khác biệt không đáng kể.
Người dùng có thể tiết kiệm pin bằng cách giảm chất lượng hiển thị. Tùy vào thiết bị, việc điều chỉnh độ phân giải từ QHD xuống FHD giúp kéo dài khoảng 30 - 40 phút thời lượng sử dụng.
Nhìn chung, lợi ích của màn hình QHD hay QHD+ chưa đủ để người dùng đánh đổi về thời lượng pin, chưa kể tình trạng thiếu nội dung hỗ trợ. Hơn nữa, không phải lúc nào người dùng cũng có cơ hội trải nghiệm độ phân giải cao như quảng cáo của nhà sản xuất.
Một số mẫu điện thoại cao cấp như Galaxy S20, Galaxy Note 10 hay OnePlus 8 Pro được trang bị màn hình QHD+ nhưng thiết lập chất lượng hiển thị mặc định vẫn ở mức FHD+. LG và Huawei cung cấp tính năng tự động chuyển độ phân giải khi xem nội dung tương ứng trên V50 và Mate 20 Pro.
Android Authority cho biết, các hãng smartphone giới hạn độ phân giải FHD+ trên màn hình QHD để cân bằng giữa chất lượng hiển thị và thời lượng pin. Việc ít người nhận ra điều này cho thấy sự khác biệt giữa QHD và FHD+ trên màn hình smartphone nhỏ đến thế nào.
Khi chạy tác vụ cơ bản, người dùng khó nhận ra sự khác biệt giữa FHD và QHD trên smartphone. Ảnh: Android Authority.
Tiêu chuẩn cho màn hình smartphone 2020
Nếu chấp nhận chi hơn 1.000 USD để nâng cấp smartphone năm nay, người dùng sẽ tận hưởng những tính năng cao cấp nhất, trong đó có màn hình QHD+ với kích thước tầm 7 inch kết hợp cùng viên pin lớn. Mặt khác, màn hình ở chất lượng FHD+ đủ cho smartphone với kích thước nhỏ hơn.
Tuy nhiên, độ phân giải màn hình không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng hiển thị của màn hình. Tốc độ refresh cao, dải màu rộng, khả năng tái tạo màu sắc chân thực và cân bằng trắng tốt ảnh hưởng nhiều hơn đến trải nghiệm tổng thể trên smartphone.
Hiện ngành công nghiệp smartphone vẫn lựa chọn FHD+ là “tiêu chuẩn vàng” dành cho màn hình. Độ phân giải FHD+ được đánh giá đủ tốt trong hầu hết trường hợp sử dụng, trừ khi kích thước màn hình quá lớn. Thực tế, chất lượng hiển thị của FHD+ đời mới không kém nhiều so với màn QHD vài năm trước.
Theo Việt Anh/VNE