Chiều 27/9, ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1) vừa có kết quả cuối cùng về hiện tượng cá lồng bè chết bất thường tại Hà Tĩnh. Nguyên nhân được cho là do sự biến động đột ngột của độ mặn, kết hợp với sự bất lợi của các yếu tố khác.
Gần 100 tấn cá lồng bè ở Hà Tĩnh chết bất thường từ ngày 8/9 - 10/9
Trước đó, ngày 11/9, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã trực tiếp vào Hà Tĩnh lấy 4 mẫu cá và 5 mẫu ốc hương để phân tích tìm nguyên nhân khiến thủy sản chết hàng loạt trên địa bàn Hà Tĩnh.
Qua phân tích cho thấy, các thông số môi trường nước trong các mẫu thu thập tại nơi xảy ra hiện tượng cá chết có độ mặn dao động từ 1 – 3% (độ mặn vùng nuôi trước khi xảy ra mưa lũ dao động 10 – 15%); độ kiềm dao động từ 20 – 40 mg/l, thấp hơn giới hạn thích hợp là 60 – 180 mg/l. Kết quả phân tích các thông số độc tố hóa học và kim loại nặng trên nước, cá cho thấy, chỉ có thông số sắt (Fe) trong mẫu nước có giá trị cao hơn giới hạn cho phép.
Phân tích tác nhân gây bệnh từ các mẫu trên đều cho kết quả âm tính.
Đoàn chuyên gia Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc trực tiếp đến Hà Tĩnh lấy mẫu để phân tích nguyên nhân cá chết bất thường
Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, nguyên nhân dẫn đến cá lồng chết hàng loạt tại Hà Tĩnh là do sự biến động của độ mặn dẫn đến thay đổi đột ngột các quá trình trao đổi chất, quá trình thẩm thấu của tế bào dẫn đến cá nuôi bị sốc, giảm khả năng miễn dịch.
Bên cạnh đó, độ kiềm thấp làm giảm pH, giảm sự sinh trưởng của thực vật phù du. Hàm lượng Fe cao trong nước cũng tác động xấu đến sức khỏe của cá. Mặt khác, thời điểm cá chết vào rạng sáng là lúc hàm lượng oxy trong môi trường nước xuống thấp nhất và nước thượng nguồn đổ về mang theo vật chất hữu cơ và các chất thải… làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi.
Nguyên nhân cá chết hàng loạt là do sự tác động tổng hợp của các yếu tố độ mặn, độ kiềm, hàm lượng oxy, sắt và nước thượng nguồn đổ về thay đổi đột ngột
Như vậy, sự tác động tổng hợp của các yếu tố độ mặn, độ kiềm, hàm lượng oxy, sắt và nước thượng nguồn đổ về thay đổi đột ngột là nguyên nhân khiến cá nuôi lồng chết hàng loạt.
Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc cũng khuyến cáo và đề nghị các hộ nuôi không thả cá giống mới ở thời điểm hiện tại, tập trung vệ sinh lưới lồng, khử trùng và phơi khô trước khi sử dụng nuôi vụ tiếp theo. Chỉ thả giống mới khi có khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Trước đó, từ ngày 8/9 đến 10/9, Hà Tĩnh có 3 vùng nuôi cá chẽm lồng bè, ốc hương chết hàng loạt, gồm: xã Thạch Sơn, Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà); xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) và xã Cẩm Phúc, Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên). |