Cam Sơn Mai được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo người dân địa phương, vùng đồi núi Sơn Mai có tiểu khí hậu đặc thù rất hợp với sự phát triển của cây cam. Ngoài ra, với địa hình đồi bát úp thoai thoải và được dãy núi Mồng Gà che chắn từ phía Đông nên nơi đây càng thuận lợi hơn trong việc phát triển cây ăn quả. Những năm gần đây, khi giá trị thu về từ cây cam lớn, người dân chú trọng hơn từ khâu chọn giống đến quy trình chăm sóc nên cam có vị ngọt đậm đặc trưng, vượt trội so với nhiều vùng trồng cam khác trên địa bàn.
Cam Sơn Mai không to như cam Khe Mây, màu không thật đỏ đậm như cam Thượng Lộc nhưng lại có vị ngọt đậm đà ít nơi có được. Thương hiệu cam Sơn Mai chưa ra được “biển lớn”, nhưng trên địa bàn Hương Sơn và một số nơi khác thì rất nhiều người biết đến. Nếu đến mua cam ở các quầy ốt, chợ tại một số trung tâm thương mại như: Thị trấn Phố Châu, thị tứ Nầm, hầu hết các chủ hàng đều giới thiệu cam mình là cam Sơn Mai, mặc dù trên thực tế, cam được mua từ rất nhiều xã trong huyện. Điều đó cho thấy, tại địa phương, cam Sơn Mai đã thực sự được người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình, có 30% cam tại đây được các thương lái ở Vinh vào đặt mua và nghiễm nhiên trở thành “cam Vinh”, bán khắp các tỉnh. Đó là chưa nói đến, nhiều tiểu thương kinh doanh cam có tên tuổi ở Hà Tĩnh cũng thường chọn cam Sơn Mai về bán, nhất là vào dịp cuối mùa. Đương nhiên, nó cũng không được mang thương hiệu cam Sơn Mai.
Tại lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2017 diễn ra đầu tháng 12 mới đây, có 11 hộ cá nhân, HTX, tổ hợp tác cam toàn tỉnh đạt giải A thì Sơn Mai đạt 2 giải, thuộc về Tổ hợp tác Trồng cam Sơn Mai và hộ sản xuất Tôn Quang Hòa. Mặc dù chưa có thương hiệu, nhưng trong 2 ngày diễn ra lễ hội, tổ hợp tác và hộ dân này đã bán được trên 1,2 tấn.
Chị Bùi Thị Long - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, cho biết, tuy cam Sơn Mai chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý, chưa có thương hiệu, nhưng qua nếm thử, rất nhiều khách hàng đã chọn mua về ăn và làm quà cho bạn bè. Qua một số địa chỉ trên trang mạng xã hội facebook giới thiệu về cam Sơn Mai tại lễ hội, rất nhiều bình luận của bạn đọc đánh giá cao loại cam này sau khi họ đã trực tiếp nếm thử và rất nhiều người hỏi mua qua mạng facebook.
Chị Long cho biết, năm 2017, chương trình VietGAP tổ chức hơi muộn nên huyện xin gác lại để năm sau bắt đầu thực hiện. Cùng với triển khai VietGAP, huyện cũng sẽ tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá rộng rãi thương hiệu cam Sơn Mai nói riêng, cam Hương Sơn nói chung ra thị trường.
Mùa này, trên khắp các con đường nối vào vùng cam Sơn Mai, xe cộ vào mua cam nườm nượp. Khách hàng chủ yếu đến từ TP Vinh, TP Hà Tĩnh và một số huyện ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Rất nhiều thương hiệu cam Vinh hoặc các ki-ốt, quầy kinh doanh hoa quả có tên tuổi ở Vinh, Hà Tĩnh đều lấy cam Sơn Mai nhưng lại núp dưới thương hiệu cam khác. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chấp nhận bởi vì chất lượng cam ngon, khó phân biệt.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Mai Nguyễn Dương Hợp cho biết, xã hiện có 284 ha cam, trong đó, trên 150 ha đã cho thu hoạch. Vụ cam năm nay, ước tính tổng sản lượng đạt trên 950 tấn, doanh thu hơn 30 tỷ đồng. Vụ cam tới, xã sẽ tuyên truyền, vận động các hộ dân triển khai trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP để từng bước nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị sản phẩm, đưa thương hiệu cam Sơn Mai đến với đông đảo người tiêu dùng.