Với gia đình anh Lê Xuân Quảng (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh), nguồn vốn tín dụng CSXH đã trở thành “điểm tựa” thoát nghèo. Nối nghiệp cha ông bằng nghề truyền thống đánh bắt thủy hải sản, anh Quảng luôn nỗ lực để gia đình thoát cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Ngặt nỗi, thiếu phương tiện đánh bắt nên nguồn thu ít ỏi và cái nghèo cứ mãi đeo đẳng. Đầu năm 2019, gia đình anh mạnh dạn vay vốn chương trình hộ nghèo, quyết tâm mua thuyền ra khơi.
Anh Quảng chia sẻ: “Thiếu tài sản đảm bảo, tôi không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thương mại. Rất may, tôi được Hội Cựu chiến binh xã Kỳ Phú tuyên truyền cơ chế chính sách, tạo điều kiện bình xét vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh để đầu tư làm ăn. Lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp, thời gian cho vay dài nên gia đình đã chủ động trong việc trả nợ, trả lãi. Có ngân hàng CSXH “hậu thuẫn”, vợ chồng tôi mua được phương tiện đánh bắt, dần làm chủ quy trình khai thác. Chúng tôi kiên cường bám biển, nay kinh tế gia đình ổn định, có của ăn của để và nuôi các con trưởng thành”.
Hàng ngàn hộ dân ở huyện Kỳ Anh đã được tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển, giúp thay đổi căn bản đời sống nông thôn.
Ông Phạm Anh Đức - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh cho hay: “Từ khi chia tách (năm 2015), Kỳ Anh là huyện khó khăn, người dân có thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH (Chỉ thị 40), Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo triển khai thực hiện tốt chỉ thị. Đến 26/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 769,6 tỷ đồng (tăng 345,7 tỷ đồng so với trước khi có chỉ thị) và là huyện có dư nợ lớn nhất tỉnh với 13.112 khách hàng. Chất lượng tín dụng ngày càng cao, toàn huyện có 19/20 xã không có nợ quá hạn”.
Theo ông Võ Tá Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh: Nguồn vốn tín dụng CSXH đã trở thành đòn bẩy giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống; hạn chế, ngăn ngừa tình trạng “tín dụng đen”, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 15,38% (năm 2015) xuống còn 4,36% (cuối năm 2023). 10 năm qua, nguồn vốn chính sách đã giúp 10.649 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho 1.230 lao động; 6.618 hộ thoát nghèo thay đổi nhận thức, cách thức làm ăn, cải thiện cuộc sống; 3.793 học sinh, sinh viên vay vốn học tập… Đặc biệt, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như: Nghề truyền thống bánh đa, bánh mướt chợ Cầu (xã Kỳ Châu), nghề làm bún thôn Phương Giai (xã Kỳ Bắc), nghề chế biến nước mắm thôn Xuân Phú (xã Kỳ Xuân)…
Tại huyện Thạch Hà, sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Theo đó, HĐND, UBND huyện chủ động bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH gắn việc huy động và sử dụng nguồn vốn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng quản trị huyện; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở để kịp thời gỡ khó trong quá trình sử dụng vốn vay.
Ông Phạm Ngọc Cương - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà thông tin: “Với phương thức ủy thác cho vay qua các hội đoàn thể cùng với 318 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn xóm như những “cánh tay nối dài”, cùng Ngân hàng CSXH chuyển tải đồng vốn tín dụng ưu đãi kịp thời đến đúng đối tượng có nhu cầu. Đến 26/6/2024, tổng dư nợ của đơn vị đạt trên 668,5 tỷ đồng với trên 17.000 khách hàng đang thụ hưởng”.
10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành, ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH.
Bà Bùi Thị Ngọc Hà - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Giai đoạn 2014 đến nay, mặc dù một số thời điểm gặp khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19, thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp nhưng tỉnh đã huy động hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng CSXH. Từ khi có Chỉ thị 40 đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 360,16 tỷ đồng, tăng 321,4 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 5,18% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác tăng 245,6 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác tăng 75,8 tỷ đồng".
Được biết, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 26/6/2024 đạt 6.912,5 tỷ đồng, tăng 3.644 tỷ đồng so với năm 2014, với gần 104,7 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng CSXH đã giúp gần 377.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tạo việc làm cho gần 45.000 lao động, xây dựng gần 255.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường, 112 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, hơn 1.925 ngôi nhà được xây dựng mới và cải tạo, 13.710 lượt học sinh - sinh viên khó khăn được vay vốn đi học, 33 cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học ngoài công lập được vay vốn…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,01% (giảm 4,41% so với năm 2014).
“Với nhiều cách làm linh hoạt, Chỉ thị 40 đã đi vào cuộc sống. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân; góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển KT-XH tỉnh nhà. Quy mô tăng trưởng tín dụng chính sách không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng CSXH đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt ở khu vực nông thôn” - bà Bùi Thị Ngọc Hà khẳng định.