Cam chanh Đức Liên - Vũ Quang đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh nhờ nỗ lực của người sản xuất. Đây là “tấm vé thông hành” để sản phẩm đến tay nhiều người tiêu dùng hơn.
Anh Nguyễn Văn Phong (thôn Bình Quang, xã Đức Liên) chia sẻ: “Tháng 4/2014, gia đình thực hiện chủ trương xóa bỏ vườn tạp, xây dựng vùng cây ăn quả theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó, Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang đã tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận các chương trình tín dụng. Từ đó đến nay, nguồn vốn chính sách đã tiếp thêm nguồn lực để chúng tôi không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, gia đình đang sở hữu 1,5 ha chanh và cam bù, mỗi năm cho thu hoạch trên 12 tấn quả, doanh thu đạt hơn 500 triệu đồng”.
Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang đã tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất xây dựng sản phẩm OCOP nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng giá trị sản phẩm.
Ông Phan Thanh Tùng – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang cho hay: “Tổng dư nợ của đơn vị đến nay đạt gần 278 tỷ đồng. Vốn chính sách đã tiếp sức để giúp các cơ sở, hộ gia đình đầu tư sản xuất – kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: cam, mật ong, mật mía, hồng…”.
Tại thị xã Hồng Lĩnh, các chương trình tín dụng chính sách cũng đã gắn bó với người dân trong quá trình sản xuất – kinh doanh.
Gia đình ông Thái Quốc Việt, trú tại tổ dân phố 6, phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) đã xây dựng dây chuyền sản xuất miến gạo khá quy mô với hệ thống máy móc hiện đại, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.
Ông Thái Quốc Việt chia sẻ: “Gắn bó với vốn chính sách xã hội nhiều năm, gia đình mạnh dạn từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Miến gạo Việt Kiên đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, có mặt tại nhiều tỉnh, thành. Mỗi năm, cơ sở bao tiêu trên 30 tấn lúa, gạo cho nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà. Thị trường không ngừng rộng mở đã mang về nguồn lợi trên 300 triệu đồng cho gia đình”.
Trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, nhiều khách hàng cũng đang được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, xây dựng các thương hiệu sản phẩm OCOP nổi tiếng như: nước mắm, cá mờm, mực khô, xúc xích…
Gia đình bà Đặng Thị Luận, trú tại thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) đang vay 100 triệu từ chương trình vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH. Các chương trình tín dụng chính sách giúp gia đình bà đầu tư cơ sở vật chất thu mua, chế biến thủy hải sản. Đến nay, Nước mắm Luận Nghiệp đã đạt tiêu chuẩn OCOP, đi nhiều thị trường trong nước và đã bắt đầu tham gia xuất khẩu. Cơ sở giải quyết việc làm ổn định cho 8 lao động với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng, xuất bán ra thị trường mỗi năm khoảng 800.000 lít nước mắm các loại.
Ông Phan Ngọc Vũ - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đồng hành cùng tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận các chương trình tín dụng: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm… để đầu tư sản xuất – kinh doanh gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập. Không chỉ tiếp vốn, ngân hàng còn đồng hành tư vấn, hỗ trợ người dân đầu tư các mô hình sản xuất – kinh doanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế "tín dụng đen", nhất là các khu vực nông thôn".
Tính đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đạt 6.853 tỷ đồng, trong đó, dư nợ các chương trình có mục đích sản xuất - kinh doanh đạt 4.789 tỷ đồng.