Tin tức giả có xu hướng được tweet lại nhiều hơn 70% so với tin tức thật - Ảnh: AFP
Theo hãng tin AFP, đây là những kết luận chính rút ra từ báo cáo đăng tải trên tạp chí Science, cũng là nghiên cứu có quy mô lớn nhất trước nay về vấn đề tin giả trên mạng xã hội.
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts chủ trì đã khảo sát 126.000 loạt tin đồn do khoảng 3 triệu người lan truyền trên mạng xã hội Twitter với hơn 4,5 triệu lượt chia sẻ trong khoảng thời gian từ 2006-2017.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy số tin giả tiếp cận người đọc nhiều hơn và nhanh hơn rất nhiều so với tin tức thật. 1% tin tức giả hàng đầu tới tay tối đa khoảng 100.000 người, trong khi tin thật chỉ đến được hơn 1.000 người.
Báo cáo nêu: "Tin giả có xu hướng được chia sẻ lại nhiều hơn tin thật tới 70%. Và để đến được với 1.500 người, tin thật mất thời gian nhiều gấp 6 lần so với tin tức giả".
Nhóm nghiên cứu nêu giả thuyết cho rằng sở dĩ tin giả lan nhanh hơn là vì người dùng có xu hướng chia sẻ những câu chuyện này vì chúng có nội dung gây sốc, ngạc nhiên hơn là tin tức thật.
Nghiên cứu cũng nhận thấy số tin giả trên Twitter đang tăng. Xu hướng này tăng vọt trong những sự kiện lớn như bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 và 2016.
Việc sử dụng các robot phát tán tin giả tự động trên mạng xã hội Twitter từng là tâm điểm trong cuộc điều tra về cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ của Nga do công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller tiến hành.
Nhưng trái với quan điểm khá phổ biến lâu nay, "tác giả" phát tán tin giả trên mạng xã hội không phải do robot cài đặt, mà chính là con người.
Một điểm đáng chú ý là những tài khoản phát tán tin giả thường không có nhiều người theo dõi nhưng một khi nó phát tán tin giả lại gây hiệu ứng chia sẻ tin bài dây chuyền.