Tình hữu nghị Việt - Xô, tài sản vô giá

(Baohatinh.vn) - Tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô (Việt - Xô) là mối tình đồng chí, mối tình quốc tế vô sản cao cả, trong sáng, có được từ lý tưởng chiến đấu với mục tiêu giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tình cảm đó bắt nguồn từ quá trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp và hình thành nên qua việc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và thực tiễn Cách mạng tháng Mười Nga. Để rồi từ trong đêm dài nô lệ, Việt Nam đã tìm thấy con đường cách mạng: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi lên xã hội cộng sản”.

Tình hữu nghị Việt - Xô, tài sản vô giá

V.I.Lênin phát biểu trước người dân tại Pê-tơ-rô-grát năm 1917 (ảnh tư liệu).

Cách mạng tháng Mười Nga làm nổ tung mắt xích trọng yếu của chủ nghĩa tư bản, mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại, kỷ nguyên XHCN. Bởi thế, sau khi nhà nước công nông ra đời, kẻ thù bên trong kết hợp với giặc ngoại xâm hòng tìm cách bóp chết chính quyền cách mạng trong trứng nước. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích và lãnh tụ thiên tài V.I.Lênin, Nhà nước Xô viết Nga không những đứng vững mà vào năm 1922 mở rộng thêm gồm 16 nước cộng hòa, thành lập Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết (Liên Xô).

Đi lên từ một nước tư bản nghèo và đa sắc tộc, Liên Xô đã trở thành nước XHCN hùng mạnh, một cường quốc của thế giới đánh bại chủ nghĩa phát xít trong đại chiến thế giới thứ II. Thắng lợi vĩ đại này đã mở ra cho thế giới một cục diện mới, hệ thống CNXH ra đời, là thời cơ để nhiều nước đứng lên giành độc lập dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Tình hữu nghị Việt - Xô, tài sản vô giá

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920. Ảnh tư liệu.

Với tầm nhìn thời đại, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm cách biến ngọn cờ Cách mạng tháng Mười Nga thành lý tưởng vẫy gọi toàn dân tộc vùng lên. Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động phong trào cách mạng với mục tiêu thành lập chính quyền công nông theo mô hình Liên Xô mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Tuy chưa giành được thắng lợi nhưng đây là bước tập dượt để chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, đón thời cơ đứng lên giành chính quyền. Khi Liên Xô đánh thắng phát xít Đức, cũng là lúc phát xít Nhật ở Đông Dương đầu hàng, quân đội đồng minh chưa kịp vào giải giáp, thì Mặt trận Việt Minh đã phát động tổng khởi nghĩa thành công; dõng dạc tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng tháng Tám là sự kết hợp tài tình giữa việc chuẩn bị lực lượng ở trong nước với đón bắt thời cơ khi Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức trong đại chiến thế giới II.

Tình hữu nghị Việt - Xô, tài sản vô giá

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử (ảnh minh họa).

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Liên Xô đã chí tình, vô tư giúp Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Hằng năm, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam nhiều vũ khí, đạn dược. 3/4 số vũ khí Việt Nam sử dụng, trong đó có máy bay, tên lửa, xe tăng, thiết giáp, đạn dược, khí tài hiện đại... là của Liên Xô. Ngoài ra, Liên Xô còn đào tạo trên 5 vạn cán bộ khoa học và công nhân kỹ thuật trên mọi lĩnh vực (trong đó, hơn 3 vạn có trình độ đại học và trên đại học), nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và nhà khoa học của đất nước.

Về kinh tế, Liên Xô đã cho Việt Nam vay và viện trợ với tổng số trên 55 tỷ USD; giúp Việt Nam tìm kiếm và hợp tác khai thác dầu khí hào hiệp với công nghệ hiện đại và đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật lành nghề; trực tiếp viện trợ xây dựng các công trình lớn như thủy điện Sông Đà, cầu Thăng Long, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô v.v...

Đặc biệt, trong khi Việt Nam giúp Campuchia chống lại bè lũ diệt chủng Pôn Pốt, hầu như bị các nước trên thế giới cô lập, cấm vận thì vào thời điểm đó (năm 1978), Liên Xô đã ký Hiệp ước Hữu nghị Việt - Xô. Trong quá trình tiến hành “cải tổ”, do xuất hiện chủ nghĩa cơ hội, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ở bộ phận cán bộ cấp cao, lại bị địch lợi dụng chống phá nên Liên Xô sụp đổ. Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc đi lên CNXH trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tình hữu nghị Việt - Xô, tài sản vô giá

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, ngày 17/10/2023. (Ảnh: TTXVN).

Liên Xô tan rã song quan hệ Việt Nam với Liên bang Nga vẫn được duy trì và phát triển trong điều kiện mới. Tổng thống Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Nga vẫn coi Việt Nam là đồng chí, hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Nga bán khoảng 70% vũ khí hiện đại cho Việt Nam; tiếp tục mở rộng hợp tác khai thác dầu khí; tuyên bố xóa hết nợ (gần 11 tỷ USD) cho Việt Nam. Trong đại dịch COVID-19, Nga đã viện trợ cho Việt Nam hàng chục triệu liều vắc-xin, thuốc men và phối hợp phác đồ điều trị... Mặc dù đang có xung đột quân sự Nga - Ukraine nhưng quan hệ hợp tác Nga - Việt vẫn luôn được củng cố và tin cậy lẫn nhau. Hai nước liên tục cử các đoàn cấp cao thăm nhau, trao đổi, ký kết các hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực trong tình hình mới.

Tin tưởng rằng, tình hữu nghị quý báu, bền chặt Việt - Xô trước đây và Việt - Nga ngày nay được khơi nguồn từ Cách mạng tháng Mười Nga tiếp tục phát huy theo dòng lịch sử, là tài sản vô giá của hai dân tộc mãi mãi sáng ngời. Việt Nam và Liên bang Nga luôn sát cánh bên nhau với tình nghĩa thủy chung, sắt son cùng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của mỗi nước và đang góp phần quan trọng vào mục tiêu hình thành một thế giới đa cực vì lợi ích chính đáng của các dân tộc, phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại và của nhân loại tiến bộ.

Chủ đề Nghị quyết Trung ương Đảng

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.