Sáng nay (19/2) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã tổ chức giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch Covid-19. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, theo báo cáo từ Bộ Y tế, từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 755 người mắc Covid-19. Dịch xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (575 bệnh nhân), Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Điện Biên, Hòa Bình, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Giang, Hưng Yên.
Hiện, Hải Dương có 5 ổ dịch lớn gồm: TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương, đây là ổ dịch có tính chất phức tạp. Tính đến 6h ngày 19/2, Việt Nam có tổng 1.448 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.
Một điểm tích cực là đến nay các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Các ổ dịch khác (Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Bắc Giang và Gia Lai) không ghi nhận ca mắc trong vòng từ 7-20 ngày qua.
Các đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh.
Đối với Hà Tĩnh, tính từ ngày 29/1 đến nay, toàn tỉnh đã xét nghiệm 5.717 mẫu, đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, theo dõi tại cơ sở y tế 17 người; cách ly tập trung 60 người tại các khu cách ly cấp tỉnh, cấp huyện; quản lý, theo dõi, cách ly tại nhà 46.872 người, trong đó có 29.589 người liên quan đến vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh và các tỉnh thành khác. Hà Tĩnh đang thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân hạn chế tối đa việc đi lễ đầu năm tại các đền, chùa, di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tôn giáo. Yêu cầu người dân khi đến đền, chùa, di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tôn giáo phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi vào nơi thờ tự…). Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các đền, chùa, di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tôn giáo.
Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế. Chỉ đạo các địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ người từ ngoại tỉnh trở về nhất là từ các tỉnh, thành có dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương không chủ quan, lơ là với dịch (Ảnh Zing).
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải thực hiện quyết liệt Chỉ thị 05-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, không lơ là, chủ quan với dịch nhất là đối với các địa phương chưa có dịch; các địa phương, đơn vị chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để ứng phó với dịch trong mọi cấp độ để vừa phòng chống dịch có hiệu quả vừa đảm bảo mục tiêu kép.
Tăng cường giám sát chủ động, tầm soát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng, nhất là tại các khu vực có đông người, có nguy cơ cao; chủ động lấy mẫu theo hộ gia đình, theo đơn vị để khi có ca bệnh sẽ nhanh chóng khoanh vùng, cách ly và triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Bộ trưởng đề nghị các trường hợp nhập cảnh sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày theo đúng quy định, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt mới được cách ly tại nhà, song nhà cách ly phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện và được chính quyền chứng nhận. Tổ chức xét nghiệm lại đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, dự kiến trong năm 2021 Việt Nam sẽ được được cung ứng khoảng 60 triệu liều để phòng, chống Covid-19. Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phàn thêm các nhà cung ứng để có thêm lượng vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch. Vắc xin được sẽ ưu tiên cho khu vực có dịch và các khu vực, đối tượng nguy cơ cao để đảm bảo hiệu quả trong phòng, chống dịch.