Theo báo cáo kết quả thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền cho các đối tượng, đến ngày 3/6, tổng giá trị bồi thường thiệt hại được UBND tỉnh phê duyệt là 1.298,5 tỷ đồng, tổng số tiền cấp huyện đã chi trả là 1.187,7 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 3/6/2017 còn tồn đọng (chưa phê duyệt giá trị bồi thường cấp huyện) là 3.481 đối tượng với giá trị thiệt hại 121,6 tỷ đồng, chủ yếu thuộc 3 nhóm: Nuôi trồng thủy sản, lao động không thường xuyên, khai thác thủy sản.
Cụ thể: Nghi Xuân (đến ngày 2/6) còn tồn đọng 579 đối tượng, với số tiền 6,5 tỷ đồng; Thạch Hà (2/6), còn tồn đọng 179 đối tượng, với số tiền 18,6 tỷ đồng của nhóm nuôi trồng thủy sản; Lộc Hà (3/6), còn tồn đọng 1.097 đối tượng, với số tiền 17,3 tỷ đồng; Cẩm Xuyên (2/6), còn tồn đọng 357 đối tượng, với số tiền 51,2 tỷ đồng; huyện Kỳ Anh (3/6), còn tồn đọng 620 đối tượng, với số tiền 7,6 tỷ đồng; thị xã Kỳ Anh (3/6), còn tồn đọng 649 đối tượng, với số tiền 20,17 tỷ đồng; TP. Hà Tĩnh đã hoàn thành.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân: Lĩnh vực NTTS có nhiều phức tạp. Các địa phương cần bám sát các văn bản, quy định để làm cho chặt chẽ.
Hiện nay, tồn đọng nhiều nhất là đối tượng nuôi trồng thủy sản, hiện còn 398 cơ sở bị thiệt hại với giá trị 72,2 tỷ đồng chưa được cấp huyện phê duyệt. Lý do chủ yếu là hồ sơ chỉ có xác nhận của cộng đồng về số lượng giống thả; số lượng thiệt hại không có hoá đơn chứng từ mua giống; không có biên bản xác nhận thiệt hại tại thời điểm chết, trong khi đó số tiền bồi thường lớn nên các địa phương còn băn khoăn về mức độ tin cậy của hồ sơ.
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó trưởng phòng NN&PTNT Lộc Hà: Hiện nay, việc xác định thiệt hại trên 70% đối với NTTS gặp nhiều khó khăn
Khó khăn chung là các địa phương chưa phát huy được hết vai trò của cộng đồng thôn xóm trong việc kê khai, xác nhận thiệt hại; các văn bản hướng dẫn không thống nhất; một số đối tượng lao động nhiều nghề, chưa xác định được nghề nào mang lại thu nhập chính.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các ngành, địa phương trên cơ sở hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương, tình hình thực tế tại địa phương, khẩn trương tiếp tục triển khai thẩm định, phê duyệt giá trị thiệt hại đảm bảo chính xác, công khai, dân chủ, đúng đối tượng và đúng quy định hiện hành.
Các ngành tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung quyết liệt giải quyết những tồn đọng còn lại đúng tiến độ. Tinh thần là rà soát lại một cách kỹ càng, chính xác, chặt chẽ, phấn đấu đến 20/6 cơ bản giải quyết gọn các vướng mắc, để hoàn thành công tác chi trả bồi thường trước 30/6 theo quy định của Chính phủ.