Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động bán lẻ hàng hóa hạn chế hơn so với mọi năm. Cụ thể, do dịch bệnh COVID-19 nên việc luân chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhất là giữa các địa phương có dịch. Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân có xu hướng giảm; nguồn tiền từ các công dân xuất khẩu lao động nước ngoài, làm công nhân tại các khu công nghiệp gửi về giảm mạnh...
Trong khi đó, mặt bằng giá cả chung đều tăng đã ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa, sức mua của người dân.
Doanh thu bán lẻ ô tô con giảm 6,1% so với năm 2020.
Theo số liệu từ Cục thống kê Hà Tĩnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt gần 42.000 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ (1,99 %) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, một số nhóm ngành hàng bán lẻ quan trọng có xu hướng giảm như: nhóm lương thực, thực phẩm giảm 1,88% so với năm 2020 (đạt hơn 18.000 tỷ đồng); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 7,75% so với năm 2020 (đạt hơn 4.000 tỷ đồng); ô tô con giảm 6,1% so với năm 2020 (đạt hơn 4.200 tỷ đồng).
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân Hà Tĩnh hạn chế
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành hàng bán lẻ cũng tăng trưởng hơn so với năm 2020, như: gỗ và vật liệu xây dựng tăng 24,9% (đạt hơn 2.100 tỷ đồng); xăng dầu các loại tăng 23,4% (đạt hơn 3.900 tỷ đồng); nhiên liệu khác tăng 35,77% (đạt 790 tỷ đồng); đá quý, kim loại quý các loại tăng 27,05% (đạt 573 tỷ đồng); hàng may mặc tăng 5,85% (đạt hơn 2.000 tỷ đồng); vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 13,24% (đạt hơn 267 tỷ đồng)…