Có tôn trọng đến mấy đi chăng nữa thì cũng phải khẳng định, U22 Lào và đặc biệt là U22 Brunei không có (nhiều) hy vọng để cạnh tranh 2 vị trí đầu bảng B. Thực tế trong lịch sử các giải đấu của Đông Nam Á, U22 Brunei chưa bao giờ có thể gây khó khăn cho các đối thủ. Đội bóng này tham dự với mục tiêu không để lọt lưới nhiều là thành công và SEA Games 30 này cũng vậy.
Trong lúc đó, U22 Lào ngoài chiến công vào bán kết SEA Games 2009 trên quê nhà cũng trở lại với vị trí quen thuộc của một đội bóng yếu trong 4 đại hội vừa qua. Thế nên, cuộc đua 2 vé vào bán kết ở bảng này chỉ diễn ra giữa 4 cái tên gồm U22 Thái Lan, U22 Việt Nam, U22 Indonesia và U22 Singapore.
Hết thời sử dụng cầu thủ nhập tịch cũng là lúc, các ĐTQG Singapore trở lại với vị trí yếu kém khi không còn gặt hái được thành công như trước. Nhưng trong nỗ lực xây dựng lại bằng nguồn cầu thủ tự đào tạo, SEA Games 30 được coi là thời cơ để bóng đá đảo quốc Sư tử lấy lại hình ảnh.
Thực tế, HLV Fandi Ahmad đã miệt mài rèn quân để hướng đến sân chơi này trong 1 năm qua. Nhìn vào danh tính 20 cầu thủ, có thể thấy nguồn nhân sự của U22 Singapore cũng có những gương mặt sáng giá. Nổi bật là hai người con của chính HLV Fandi Ahmad, là Irfan Fandi và Ikhsan Fandi. Cả hai đang là trụ cột của ĐTQG Singapore.
Ngoài ra, tiền đạo Faris Ramli từng tham dự 3 kỳ SEA Games 2011, 2013 và 2015 hứa hẹn góp sức để U22 Singapore tạo nên bất ngờ trên đất Philippines.
ĐTQG thi đấu bết bát, U22 Indonesia đang quyết tâm “gỡ thể diện” cho bóng đá nước nhà ở SEA Games 30. Đội bóng trẻ xứ Vạn đảo cũng trải qua quá trình chuẩn bị chu đáo. Chất lượng đội hình của U22 Indonesia được đánh giá đồng đều. Chiến thắng 2-1 trước U23 Iran trong trận giao hữu mới đây là thông điệp mạnh mẽ mà thầy trò ông Indra Sjafri muốn gửi đến bất cứ đối thủ nào trong bảng đấu này.
Tất nhiên, U22 Thái Lan và U22 Việt Nam được đánh giá cao nhất. Cũng dễ hiểu khi U22 Thái Lan đang thống trị HCV và là ĐKVĐ SEA Games, trong lúc U22 Việt Nam sở hữu dàn sao chất lượng cao, ghi dấu ấn lớn không chỉ ở khu vực mà cả châu lục trong những năm qua.
Bóng đá luôn chứa đựng bất ngờ chứ không phải mạnh được yếu thua. Hai năm trước, U23 Việt Nam cũng được liệt vào hàng ngũ ứng cử viên vô địch, nhưng rút cuộc phải chia tay ngay sau vòng bảng. Vì thế, khi một bảng đấu có đến thêm 2 đội bóng đủ năng lực cạnh tranh suất vào bán kết thì U22 Việt Nam và U22 Thái Lan chắc chắn phải hết sức cẩn trọng.
Dễ thở cho U22 Malaysia Khác với bảng B, bảng A chỉ có 5 đội. Trong đó, U22 Campuchia và U22 Timor Leste không có nhiều hy vọng. Đương kim á quân U22 Malaysia được đánh giá sẽ không quá vất vả để giành một suất vào bán kết. Vé còn lại được nhận định là cuộc cạnh tranh giữa U22 Philippines và U22 Myanmar. Ngoài lợi thế sân nhà, U22 Philippines hứa hẹn trở thành đối thủ khó chơi với U22 Myanmar khi bổ sung 2 cầu thủ chất lượng từ ĐTQG là tiền vệ Stephan Schrock và hậu vệ Amani Aguinaldo. Trong đó, Stephan Schrock từng chơi bóng ở Đức, là nhân tố cực kỳ quan trọng của ĐT Philippines trong thời gian qua. |