Một trường phổ thông ở Manila, Philippines được phun thuốc khử trùng ngừa Covid-19 hồi tháng 3/2020. (Ảnh: AFP)
Trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình vào cuối ngày hôm qua (25/5), Tổng thống Duterte cho biết việc học sinh quay trở lại trường học tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
“Sẽ là vô ích khi tranh luận về việc mở lại các lớp học trừ khi tôi chắc chắn rằng các em thực sự an toàn. Đối với tôi, vaccine là thứ tiên quyết. Nếu vaccine đã có sẵn, thì không có vấn đề gì”, ông Duterte nói.
Các nước đang đẩy nhanh tốc độ trong cuộc đua điều chế vaccine. Mới đây, Mỹ tuyên bố đã thử nghiệm thành công vaccine ngừa Covid-19 trên người của công ty Moderna. Mỹ cũng chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn hai với 600 người trong tháng 6. Tuy vậy, không ai dám chắc đến khi nào một loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả sẽ được chứng minh và phân phối trên quy mô lớn.
Tại Philippines, các cơ sở giáo dục công lập thường hoạt động từ tháng 6 năm này đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong bối cảnh các ca lây nhiễm vẫn tăng lên từng ngày, giới chức nước này đã quyết định lùi ngày khai giảng muộn hơn.
Tính đến ngày 26/5, Philippines đã ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm nCoV, chủ yếu ở thủ đô Manila, và hơn 850 ca tử vong. Lệnh phong tỏa ở thủ đô Manila sẽ được kéo dài đến tháng 6, trong khi các hạn chế được nới lỏng ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp.
Để tránh tình trạng đông đúc bên trong các lớp học trong năm học tới đây, Bộ giáo dục Philippines đã công bố một loạt các biện pháp, bao gồm các lớp học trực tuyến.
Hàng triệu người dân Philippines vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo khó và không thể tự truy cập vào máy vi tính ngay tại nhà. Đây cũng là vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết để đảm bảo tính khả thi cho hình thức học trực tuyến.
Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm triệu trẻ em trên toàn thế giới phải nghỉ học ở nhà trong nhiều tháng. Tuy nhiên, tại một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi nCoV như Pháp, Hàn Quốc, các trường học đã được phép đón học sinh trở lại.