Theo RIA, phát biểu tại Diễn đàn Kinh Tế Phương Đông tổ chức tại Nga, Tổng thống Putin vừa tiết lộ, trong một cuộc điện đàm gần đây, ông đã mời Tổng thống Trump mua một trong những vũ khí siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân mà Moscow đang phát triển để khỏa lấp khoảng cách giữa 2 nước trong phân khúc vũ khí tốc độ cao.
"Tôi đã nói với ông Donald: Nếu Mỹ muốn vũ khí siêu thanh Nga, chúng tôi sẽ bán. Như vậy chúng ta sẽ cân bằng mọi thứ ngay lập tức", Tổng thống Putin nói và cho biết thêm rằng, Tổng thống Trump đã từ chối lời đề nghị này và nói Mỹ đang tự phát triển vũ khí riêng cho mình.
Tên lửa siêu thanh X-51A của Mỹ. |
Cùng với thông tin từ ông Trump, ngày 5/9, Lầu Năm góc cũng đã ra thông báo cho biết, nhà thầu Dynetics Technical Solutions đã nhận được hợp đồng trị giá 351,6 triệu USD để chế tạo lô vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới Common-Hypersonic Glide Body (C-HGB) đầu tiên.
Theo yêu cầu, công ty này sẽ phải sản xuất ít nhất 20 đầu đạn siêu vượt âm C-HGB cung cấp cho hải-lục-không quân Mỹ và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật do Lầu Năm góc đề ra.
Tham gia chương trình C-HGB, ngoài công ty Dynetics Technical Solutions là nhà thầu chính còn có General Atomics (thiết kế, chế tạo hệ thống điện tử tích hợp trong khoang), Raytheon (hệ thống điều khiển) và Lockheed Martin (tích hợp hệ thống và phương tiện mang phóng).
Cùng với đó, Lầu Năm góc phối hợp với Lockheed Martin phát triển dòng tên lửa siêu vượt âm mới Long-Range Hypersonic Weapon (LRHW) với gói hợp đồng trị giá hơn 400 triệu USD để mang và phóng C-HGB.
Tổng giám đốc Dynetics Technical Solutions, Steve Cook tuyên bố: "Chúng tôi đã chọn các đối tác tin cậy để giúp Quân đội Mỹ chống lại mối đe dọa từ vũ khí siêu vượt âm mới của Nga và Trung Quốc".
Vũ khí C-HGB đã được Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Sandia thử nghiệm thành công trong các năm 2011 và 2017. Công nghệ này khi được áp dụng trong các chương trình vũ khí của Quân đội Mỹ được mang nhiều tên gọi khác nhau, như: LRHW của Lục quân, Vũ khí siêu vượt âm tấn công nhanh của Hải quân và Vũ khí tấn công siêu vượt âm đa dụng của Không quân.
Quyết tâm của Mỹ với vũ khí siêu thanh đã khá rõ ràng nhưng theo nhận định của chuyên gia Herbert Efremov thuộc Tổng công ty NPO Mashinostroyeniya của Nga, muốn thực hiện được tham vọng, trước hết người Mỹ phải chế tạo được vỏ và động cơ đang tin cậy dành cho tên lửa siêu thanh.
Vấn đề chính không nằm ở tốc độ của loại vũ khí bởi thực tế từ lâu các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đã đạt được tốc độ này, mà vấn đề nằm ở việc bảo đảm cho chuyến bay xa ở tốc độ siêu thanh.
Hiện nay các cuộc thử nghiệm loại vũ khí siêu thanh đang được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng với loại động cơ phản lực dòng thẳng, loại động cơ này chưa đủ khả năng bảo đảm sự đốt cháy ổn định trong buồng đốt với tốc độ lớn.
Vấn đề lớn phát sinh đối với loại vũ khí này mà Mỹ chưa thể vượt qua đó là vỏ của chúng sẽ bị nung nóng khi bay ở tốc độ cao. Khi bay ở tốc độ siêu thanh các đầu đạn bị nung nóng đến hàng ngàn độ và tạo thành đám mây Plasma xung quanh chúng.
Điều này cũng xảy ra với tàu vũ trụ và các đầu đạn của tên lửa liên lục địa. Nhưng quỹ đạo của chúng vượt ra ngoài không gian vũ trụ, nơi không có những dòng không khí cản trở. Trong khi đó tên lửa siêu thanh phần lớn bay trong lớp không khí dày đặc.
Mỹ từng thực hiện vài cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh X-51A của mình, chúng có thể được phóng từ các máy bay ném bom B-52 và B-1 Lancer. Nhưng nhiều nguồn tin cho thấy, Mỹ đã thất bại với chương trình này.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang nghiên cứu loại thiết bị bay không người lái (UAV) siêu thanh SR-72, nó sẽ thay thế cho máy bay trinh sát chiến lược SR-71, có thể tăng tốc đến 3.530 km/h. UAV này cũng được cho là sẽ sử dụng cho mục đích tấn công.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, SR-72 chỉ đang tồn tại ở dạng mô hình. Vì vậy, để có thể đạt được thành tích tương tự Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, trước hết Mỹ phải chế tạo được loại vật liệu tin cậy để sản xuất vỏ tên lửa.