Sáng 5/4, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ ngành ngân hàng quý I/2022 và triển khai nhiệm vụ quý II/2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đạt 90.472 tỷ đồng, tăng 3,49% so với đầu năm và tăng 18,03% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng chiếm 13,45% tổng nguồn vốn huy động, tăng 9,6% so với đầu năm; tiền gửi thanh toán tăng 10,17% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng đến 31/3 đạt 78.650 tỷ đồng, tăng 9,58% so với đầu năm và tăng 23,73% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn chiếm 0,73% tổng dư nợ.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Tuyết Nhung trình bày kết quả hoạt động ngành ngân hàng quý I/2022.
Về thực hiện các giải pháp hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19, đến 31/3, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ 1.004 tỷ đồng cho 1.501 khách hàng; thực hiện miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị 341,6 tỷ đồng cho 414 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.340 triệu đồng; thực hiện giảm, hạ lãi suất cho 99.843 khách hàng với tổng giá trị nợ 47.335 tỷ đồng, số tiền lãi được hạ 150,3 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5% - 4,5%/năm); cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/3/2022 đạt hơn 74.633 tỷ đồng.
Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh Phan Viết Phong: Tính đến hết quý I/2022, nguồn vốn huy động của Vietcombank Hà Tĩnh tăng 7,66%, dư nợ tăng 17,66% so với đầu năm.
Ngoài ra, trong quý I, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực, ý nghĩa hướng đến người nghèo, người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam… với tổng giá trị 22,29 tỷ đồng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Trung phát biểu tại hội nghị
Chỉ đạo hội nghị, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Trung đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn theo kế hoạch đã đề ra; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng tín dụng với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai các biện pháp hạn chế phát sinh nợ xấu...
Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp người dân trong điều kiện dịch COVID-19; phát triển các hoạt động dịch vụ ngân hàng, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, cung cấp các dịch vụ tiện ích; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống ngân hàng…