TP Hà Tĩnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 99,3 ha, là địa phương có hệ sinh thái tự nhiên khá phong phú. Trong tầm nhìn chiến lược, TP Hà Tĩnh không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, KHCN hiện đại mà còn là một trong những hình mẫu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của tỉnh. Thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình nhằm bảo tồn, làm “dày” thêm hệ sinh thái sinh học như: hình thành không gian xanh, vùng đa dạng sinh học ven sông Thạch Hạ, Đồng Môn, công viên nông nghiệp ở phường Đại Nài, vườn chim vùng sông Đông ở phường Thạch Linh... Đặc biệt, TP Hà Tĩnh huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp quản lý động vật hoang dã, bảo tồn các loại chim tự nhiên.
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Kinh tế (UBND thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Cùng với việc ban hành các văn bản, lãnh đạo TP Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo trực tiếp đối với từng ngành, địa phương về công tác bảo vệ động vật hoang dã và loài chim di trú; kiên quyết, nhất quán quan điểm xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức săn bắt, bẫy, buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã và các loài chim tự nhiên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy cán bộ, đảng viên làm gương để vận động toàn thể Nhân dân bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tự nhiên. Qua đánh giá, tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trên địa bàn đã giảm nhiều so với các năm trước và cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn rất cam go, tiềm ẩn nhiều phức tạp và dễ bị rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.
Bắt đầu vào mùa bão, các loài chim di trú về ngày càng nhiều. Chỉ mới đầu vụ, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) phối hợp với phòng, ban chuyên môn, các phường, xã và lực lượng công an địa phương tiến hành thu giữ hàng chục vật dụng, dụng cụ phục vụ đánh bắt chim trời như: lưới, cọc tre, cò giả, loa, ắc quy, tăng âm…; xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến hành vi đánh bắt chim tự nhiên trái phép.
Theo ông Hoàng Đức Huân - cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn TP Hà Tĩnh (Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng), nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, động vật hoang dã, chim di cư, chim tự nhiên trên địa bàn thành phố thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân, tuy nhiên, việc xử lý triệt để là rất khó. Một trong những nguyên nhân là do một bộ phận người dân vẫn có nhu cầu tiêu dùng, tiêu thụ động vật hoang dã, chim tự nhiên; hành vi của các đối tượng bắt bẫy ngày càng tinh vi, qua mặt lực lượng chức năng...
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xử lý đánh bắt chim tự nhiên, động vật hoang dã, lực lượng kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp; kiểm tra, giám sát hoạt động của các hộ kinh doanh tại các chợ, nhà hàng; phối hợp với các ngành công an, quản lý thị trường... và chính quyền địa phương kiểm tra, nắm bắt thông tin kịp thời các tụ điểm, các tổ chức, cá nhân bẫy bắt, mua bán chim tự nhiên trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tại các địa phương, công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng bẫy bắt, buôn bán động vật hoang dã và chim trời tự nhiên cũng rốt ráo vào cao điểm. Ông Trương Quang Sơn - Chủ tịch UBND phường Thạch Linh cho biết: “Trước mỗi mùa chim di trú, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, ký cam kết rộng rãi đến tận người dân; thu giữ và tiêu hủy dụng cụ đánh bắt chim trời của các cá nhân vi phạm; kiểm tra thường xuyên tình hình kinh doanh tại các hàng quán, chợ. Cùng với đó, tổ chức cho người dân, các đoàn thể ra quân trồng cây xanh, thả tôm tép, cá… xây dựng hệ sinh thái vườn chim tại vùng sông Đông, tạo chuyển biến về nhận thức cho người dân để cùng chung tay bảo vệ động vật tự nhiên. Điều rất mừng, thời gian qua, rất nhiều loài chim như: cò, cói, chim sẻ… về tại khu vực vườn chim vùng sông Đông...”.
Mới đây, UBND thành phố Hà Tĩnh tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về xử lý đánh bắt chim tự nhiên, động vật hoang dã trên địa bàn; giao trách nhiệm đến từng xã, phường, phòng chuyên môn và lực lượng liên quan vào cuộc, quyết tâm trong cuộc chiến chống buôn bán sản phẩm chim trời tự nhiên, động vật hoang dã trái phép.
Theo quy định tại các Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân); hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234; tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung năm 2017.