Nước lũ cuốn trôi 82 con lợn, vợ chồng bà Trần Thị Tuyết giờ trắng tay với chuồng trại trống không.
Đã qua 2 ngày nước lũ rút, bà Trần Thị Tuyết (thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa bởi 82 con lợn của gia đình bị nước lũ cuốn trôi.
Bà Tuyết kể: “Lúc nước bắt đầu dâng, hai ông bà kéo chạn rơm gác bên trên xuống để nâng cao nền cho lợn đứng lên. Thế nhưng, nước lên nhanh, ngập quá chuồng nên đàn lợn cũng trôi hết”.
Ông Biện Văn Thành (chồng bà Trần Thị Tuyết) nỗ lực cứu lợn nhưng vẫn không thắng nổi mưa lũ.
Bì bõm trong nước, hai vợ chồng bà Tuyết vớt được 30 con lợn nhỏ vào nhà trên rồi kê giường nệm cho lợn đứng lên. Vậy nhưng, đến lúc nước ngập quá nệm thì số lợn mà ông bà “cứu” được cũng trôi luôn.
Nước lũ ngập đến bậc tam cấp thứ 3 cầu thang lên gác xép của gia đình bà Tuyết (thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành).
Tiếc của, đêm nào bà Tuyết cũng không ngủ được. “82 con thì có 50 con lợn béo đang chờ thương lái đến mua. Ước tính thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Để nuôi được số lợn này, gia đình đã nợ hơn 300 triệu tiền thức ăn và con giống. Giờ trắng tay, chúng tôi không biết làm lại từ đầu như thế nào đây” – bà Trần Thị Tuyết giải bày.
Anh Phạm Viết Đống (thôn An Việt, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) vừa tìm được trâu sau lũ nhưng bò thì đã bị cuốn trôi.
Nhiều ngày nay, anh Phạm Viết Đống (thôn An Việt, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) rong ruổi trên các cánh đồng để tìm trâu, bò đi lạc trong lũ lụt. Hành trình đi tìm trâu khiến chân phải của anh Đống bị thương nặng và nhiễm trùng do lội nước lụt.
Anh Phạm Viết Đống cứu được một số vịt nhỏ nhưng gà, vịt lớn thì đã chết trong mưa lũ.
“Tối hôm qua, đi bộ ra đến xã Cẩm Vịnh thì tìm được trâu ở đó. Tôi mừng rớt nước mắt. Trâu tìm được rồi nhưng 2 con bò và nhiều gà, vịt thì bị nước lụt cuốn trôi. Nhà có máy gặt, máy cày cũng bị ngâm nước 3 ngày liền nên hỏng nặng. Bây giờ, nếu được, hi vọng các nhà hảo tâm hỗ trợ chúng tôi về con giống để tiếp tục tái sản xuất và ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn để sửa chữa máy móc, tiếp tục làm ăn” - anh Phạm Viết Đống cho hay.
Sau cơn lũ lịch sử, đàn hươu 11 con của gia đình ông Trần Xuân Báu đã không giữ lại được.
Chung tình cảnh mất sinh kế sau trận lũ lịch sử, toàn bộ gia sản của ông Trần Xuân Báu (thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) gồm: 11 con hươu, 500 vịt đẻ, 3 tấn cá trắm... đã trôi theo dòng nước. Thiệt hại ban đầu ước tính hơn 450 triệu đồng.
"Điều chúng tôi cần nhất lúc này là ổn định cuộc sống, tái sản xuất bởi toàn bộ con giống đã mất sạch. Trước mắt, tôi sẽ nghiên cứu phương án xây nhà tránh lũ cho vật nuôi theo kết cấu 2 tầng, tránh thiệt hại đáng tiếc như đợt lũ vừa qua” - ông Báu chia sẻ.
Vài đôi bồ câu là tài sản ít ỏi gia đình ông Báu còn giữ lại được.
Trong khi đó, gia đình ông Võ Văn Ước (thôn Nam Thắng, xã Thạch Thắng, Thạch Hà) có 220 vật nuôi gồm gà và lợn cùng 3 tấn lúa, 2 tấn thức ăn đã không thể giữ lại.
Giờ đây, ông Ước tha thiết nhận được sự trợ giúp của chính quyền địa phương trong vấn đề tạo hỗ trợ vốn, đồng thời ngân hàng giảm bớt lãi suất vay để người dân chịu thiệt hại nặng nề sau lũ có thể tiếp tục làm ăn, tạo sinh kế lâu dài.
220 vật nuôi gồm gà và lợn của gia đình ông Võ Văn Ước đã trôi theo lũ.
Cẩm Xuyên và Thạch Hà là 2 huyện bị ngập lụt nặng nhất do nằm dưới hạ du hồ Kẻ Gỗ. Tại Cẩm Xuyên, toàn huyện có 11.701 tấn lúa giống, lúa thương phẩm các loại bị ướt, hư hại hoàn toàn; 230 con trâu, 6.925 con lợn và 401.749 con gia cầm bị chết, cuốn trôi trong mưa lũ; 52 ha tôm, 375 ha cá các loại bị ngập, cuốn trôi...
Tại Thạch Hà, nước lũ nhấn chìm 4.337,1 tấn lúa; 250 tấn phân bón NPK; 214,9 tấn thức ăn gia súc; 29 con trâu bò, 23 con dê, 1.271 con lợn, 229.825 con gia cầm, 22.000 con chim cút...
Người dân vùng lũ cần hỗ trợ con giống để tiếp tục sản xuất.
Trưởng ban Dân vận - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thanh Long cho biết: “Đến cuối ngày 24/10, huyện đã tiếp nhận hỗ trợ của hơn 160 đoàn. Phần đông các đoàn tiếp tế lương thực như: mì tôm, bánh chưng, lương khô... Tuy nhiên, thời điểm này, bà con cần nhất, thiết yếu nhất vẫn là gạo, đồ dùng trong gia đình, sách vở. Về lâu dài, bà con cần hỗ trợ sinh kế như: Cây trồng, vật nuôi để tiếp tục duy trì sản xuất”.
Gia súc chết trên cánh đồng xã Cẩm Thành được đưa vào bờ để đào hố chôn lấp.
Không chỉ hỗ trợ sinh kế cho người dân, vấn đề cấp bách nhất hiện nay ở các địa phương ngập lụt là xử lý môi trường sau lũ, nhất là việc thu gom xác động vật bị chết ở các vùng.
Hiện tại, Thạch Hà và Cẩm Xuyên đang huy động lực lượng, máy móc để gom xác chết động vật còn sót lại ở những vùng bị ngập. Phương án tối ưu là đào hố chôn lấp tại chỗ.