Nhiều diện tích dưa lê của gia đình ông Nguyễn Đức Nho (thôn Yên Định - xã Thịnh Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đến thời kỳ ra hoa, đậu quả lại gặp sâu bệnh.
Hơn tuần nay, gia đình ông Nguyễn Đức Nho (thôn Yên Định – xã Thịnh Lộc) phải huy động nhân lực ra túc trực tại bãi dưa. Người bắt sâu, người phun thuốc phòng trừ sâu bệnh song không vì thế mà tình hình khá hơn. Ông Nho buồn rầu: “Đây đã là lần thứ 3 nhà tôi xuống giống song vẫn thất bại. Dưa cứ nảy mầm, phát triển tốt, đến thời kỳ ra hoa, đậu quả lại gặp sâu bệnh. Lá cứ úa dần, quả rụng, cây héo chết. Những quả dưa lê lớn bằng nắm tay rụng đầy gốc, xót xa lắm”.
Được biết, vụ này, gia đình ông Nho trồng 5 sào dưa lê, 3 lần xuống giống mất gần chục triệu đồng tiền giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như năm ngoái, mỗi sào cho thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng thì vụ này, nhiều diện tích gần như mất trắng. "Đầu vụ sản xuất, gia đình tôi vay vốn ngân hàng để đầu tư, cứ nghĩ cuối vụ bán dưa trả nợ. Giờ thì không còn hy vọng nữa" - ông Nho buồn rầu nói.
Người dân sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhưng không hiệu quả.
Cùng cảnh ngộ, 3 ha dưa lê và dưa hấu của gia đình ông Trần Văn Thu (thôn Yên Định) cũng đang trong tình trạng “chết yểu”. Ông Thu cho biết: “Nếu cây sinh trưởng, phát triển tốt thì khoảng ngày 20/4, chúng tôi đã có dưa bán. Thế nhưng, quả cứ lớn rồi rụng, cây chết yểu, không cho thu hoạch. Chúng tôi đã phun thuốc phòng trừ sâu bệnh các loại cũng không cứu vãn được tình thế”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Khắc Anh – cán bộ khuyến nông xã Thịnh Lộc, cho biết: “Trồng dưa là hướng phát triển kinh tế chủ lực của địa phương. Toàn xã hiện có trên 100 hộ thuộc thôn Nam Sơn, Hòa Bình và Yên Định trồng với 30 ha dưa lê và 15 ha dưa hấu. Vụ này, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, nông dân phải xuống giống nhiều lần và đều gặp rủi ro. Theo thống kê sơ bộ, hiện địa phương có trên 6 ha dưa thời kỳ ra hoa, đậu quả đã bị chết”.
“Trước tình hình dưa chết hàng loạt, UBND xã Thịnh Lộc đã báo cáo lên cấp trên. Vừa rồi, cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà đã xuống ruộng lấy mẫu dưa đi xét nghiệm và kết luận dưa chết chủ yếu do nhiễm khuẩn. Nguyên nhân nhiễm khuẩn do thời gian qua, người sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Ngoài ra, có một số diện tích dưa hư hại do nấm và sâu róm tấn công” - anh Anh thông tin thêm.
Dưa lê cứ đến kỳ ra hoa, đậu quả, quả lớn...
... thì lá lại cháy vàng, cây héo úa rồi chết
Để khắc phục, thời gian này, cán bộ chuyên môn của xã Thịnh Lộc đã xuống tận ruộng nắm tình hình, hướng dẫn người dân cách phòng trừ. Đối với những diện tích đã nhiễm bệnh, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo nhân dân tích cực bám đồng, theo dõi tình hình dịch bệnh, hủy bỏ và vệ sinh sạch sẽ những vùng dưa bị thối chết.
Hiện nay, dịch bệnh trên dưa ở xã Thịnh Lộc vẫn chưa được khống chế
Dưa chết hàng loạt vào thời kỳ quả đang phát triển ở xã Thịnh Lộc đã tác động xấu tới tình hình sản xuất, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân. Điều đáng nói, hiện nay, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế.
Thiết nghĩ, trong những vụ sản xuất tới, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cần phối hợp, tăng cường bám nắm cơ sở, hướng dẫn nông dân các biện pháp làm đất, canh tác, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Tránh tình trạng người sản xuất dựa theo kinh nghiệm rồi phải chịu hậu quả nặng nề.