Các nhà thần kinh học đã phát hiện thấy trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dùng để đọc suy nghĩ của con người và tái tạo ra khuôn mặt của những người mà người đó nghĩ đến thông qua việc kiểm tra các tín hiệu điện tử.
Các nhà khoa học đã tạo ra được một chiếc máy khiến bạn phải sởn gai ốc vì nó có thể “săm soi” được suy nghĩ thông qua ánh mắt của bạn với độ chính xác đáng kinh ngạc. Trí tuệ nhân tạo này nghiên cứu các tín hiệu điện trong não bộ để tái tạo hình ảnh khuôn mặt mà các tính nguyên viên được cho quan sát.
Khuôn mặt mà các tình nguyện viên được cho quan sát đã được tái tạo lại một cách cực kỳ chính xác. Đối tượng của cuộc thử nghiệm đã được các chuyên gia thần kinh học ở Đại học Toronto Scarborough kết nối với thiết bị điện não đồ (EEG). Toàn bộ các phát hiện thu được đã được công bố trên tạp chí Thần kinh điện tử (eNeuro).
Nhà khoa học Adrian Nestor – một trong các tác giả chính của nghiên cứu này – đã từng tái tạo thành công hình ảnh khuôn mặt từ dữ liệu hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Phát biểu về kết quả của nghiên cứu này, giáo sư Nestor chia sẻ: “điều thú vị nhất là ở chỗ không phải chúng ta tái tạo lại các hình vuông và hình tam giác, mà là những bức ảnh thật sự về khuôn mặt của một người, và trên đó gồm có rất nhiều các chi tiết hình ảnh tinh tế.
Đối tượng thử nghiệm đã thể hiện các hình ảnh khuôn mặt sau khi được các chuyên gia thần kinh của Đại học Toronto Scarborough kết nối với thiết bị điện não đồ.
Ông cho hay: “thực tế, chúng ta có thể tái tạo lại những gì mà một ai đó nhìn thấy do hoạt động bộ não của họ mở ra rất nhiều khả năng. Nó tiết lộ những suy nghĩ trong đầu chúng ta và mang đến một cách thức để tiếp cận, khám phá và chia sẻ nhận thức, trí nhớ và trí tưởng tượng của chúng ta”.
Hoạt động não bộ của các tình nguyện viên được ghi lại và được dùng để tái tạo thành hình ảnh kỹ thuật số bằng một phương pháp kỹ thuật dựa trên các thuật toán máy học.
Phương pháp kết nối với điện não đồ này là do nhà khoa học Dan Nemrodow – một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của giáo sư Nestor phát triển.
Theo ông, “khi chúng ta nhìn thấy một thứ gì đó, bộ não sẽ tạo ra một nhận thức về mặt tinh thần, mà về bản chất nhận thức này chính là ấn tượng của chúng ta về thứ đã nhìn thấy”. Và nhóm nghiên cứu đã có thể nắm bắt được “nhận thức” đó bằng cách sử dụng điện não đồ để thu được sự minh họa trực tiếp về những gì đang diễn ra ở não bộ trong quá trình này.
Hình ảnh cộng hưởng từ chức năng chụp lại hoạt động với thang thời gian là vài giây, nhưng phương pháp điện não đồ lại chụp lại hoạt động với thang thời gian là mili-giây (phần nghìn của giây).
“Vì vậy, thông qua phương pháp điện não đồ, chúng ta có thể nhìn thấy cực kỳ chi tiết quá trình phát triển “sự nhận thức” về một khuôn mặt trong bộ não”.
Nhờ thiết bị này, các nhà nghiên cứu đã có thể ghi lại cụ thể cuộc kiểm tra về trí tuệ nhân tạo này vì chúng được hiển thị trong các hình ảnh về các khuôn mặt.
Sau đó, một phần mềm được thiết kế đặc biệt đã được dùng để tái tạo hình ảnh kỹ thuật số từ các thông tin nhận được. Và nó cho thấy rằng, những khuôn mặt mà các tình nguyện viên được quan sát đã được mô tả lại một cách chính xác.
Theo đánh giá của giáo sư Nestor, loài người sẽ có thể giao tiếp với nhau bằng ý nghĩ vào khoảng năm 2050.
Trước đó, đột phá trong lĩnh vực này là theo dõi những thay đổi về lưu lượng máu trong não dựa trên việc chụp cộng hưởng từ chức năng, chứ không phải là về mặt tín hiệu điện như nghiên cứu này.
Trí tuệ nhân tạo được dùng trong cuộc kiểm tra này có thể sẽ cung cấp một phương tiện để giao tiếp cho những người không nói được, hoặc giúp phát triển các bộ phận giả (chân, tay..) mà có thể điều khiển bằng ý nghĩ.