Thường xuyên theo dõi sinh trưởng của lúa để có bổ cứu kịp thời, chủ động công tác phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Nguyễn Oanh
Nội dung Công điện nêu rõ: Vụ Xuân 2019, toàn tỉnh gieo cấy 58.957/58.853ha, đạt 100,18%KH. Theo báo cáo của Giám đốc Sở NN-PTNT, đến ngày 27/02/2019 bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại tỷ lệ bệnh trung bình 35%, nơi cao 10-15%, cục bộ 30-40%, diện tích nhiễm l40ha (Đức Thọ 70ha, Cẩm xuyên 50ha, Nghi Xuân 9ha...); nhiễm nặng trên các giống P6, Xi23, NX30, TBRZZS, VTNA2, VTNA6...
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời gian tới thời tiết tiếp tục duy trì hình thái ấm, ấm có sương mù kết hợp với cây lúa thời kỳ đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh thân lá, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Mặc dù vậy, tại một số địa phương đang có tình trạng chủ quan, chính quyên chưa vào cuộc quyết liệt, người dân thiếu thông tin về diễn biến tình hình bệnh.
Bệnh đạo ôn tại Hà Tĩnh đã phát sinh gây hại với tỷ lệ bệnh trung bình trên 35%, nhiễm nặng trên các giống P6, Xi23, NX30, TBRZZS, VTNA2, VTNA6... Ảnh: Nguyễn Oanh
Để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân 2019, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc Sở NN-PTNT tổ chức thực hiện tốt các nội dung:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng NN-PTNT (Phòng Kinh tế), Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi, các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn đôn đốc, hướng dẫn người dân tiến hành dặm tỉa lúa đảm bảo mật độ, tỉa thưa đối với những diện tích gieo dày, điều tiết chế độ nước hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển.
Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng trừ bệnh, khi phát hiện bệnh tiến hành khoanh vùng, cắm vè và hướng dẫn nhân dân xử lý dứt diểm những diện tích bị nhiễm, không để bệnh phát sinh trên diện rộng.
Phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức rà soát, nắm chắc diễn biến tình hình bệnh, thống kê đầy đủ diện tích nhiễm, hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát thanh về diễn biến tình hình, kỹ thuật phòng trừ bệnh đến tận hộ dân.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
2. Giám đốc Sở NN-PTNT ban hành Văn bản huớng dẫn chăm sóc, phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa; chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại của bệnh; bố trí cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương bám sát cơ sở, hướng dẫn, tổ chức phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc BVTV; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Báo cáo diễn biến của bệnh và kết quả phòng trừ ở các huyện, thành phố, thị xã về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT và các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện công tác phòng trừ bệnh kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật.