Triển vọng từ mô hình nuôi giun quế ở Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Mô hình nuôi giun quế cho hiệu quả cao của anh Thái Quang Nhật góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế đảm bảo môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Triển vọng từ mô hình nuôi giun quế ở Vũ Quang

Dãy chuồng nuôi giun quế của anh Thái Quang Nhật tại tổ dân phố 2, thị trấn Vũ Quang.

Không chỉ là giáo viên vững chuyên môn, tận tâm với công việc, anh Thái Quang Nhật (SN 1978, công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Vũ Quang) còn tích cực phát triển kinh tế từ việc xây dựng mô hình nuôi giun quế. Vốn có niềm đam mê sản xuất nông nghiệp nên ngoài giờ lên lớp, anh Nhật lại “xắn tay” vào chăm sóc mô hình nuôi giun quế kết hợp sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

Chia sẻ cơ duyên đến với việc nuôi giun quế, anh Nhật nhớ lại: “Năm 2021, trong chuyến đi thăm người thân ở huyện Thường Tín (Hà Nội), nhận thấy ở đây rất nhiều hộ dân nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt mang lại nguồn thu nhập cao, lại không cần bỏ vốn và công sức nhiều nên tôi đã bắt đầu tìm hiểu và cảm thấy yêu thích mô hình này”.

Khi trở về quê, anh Nhật nhận thấy trên địa bàn có rất nhiều trang trại nuôi lợn quy mô lớn, nguồn phân thải ra rất nhiều nhưng chưa được tận dụng. Ngoài ra, tại các địa phương lân cận cũng có nhiều trang trại chăn nuôi bò, gà… Từ đó, anh đã quyết tâm thực hiện ý tưởng nuôi giun quế và tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch cho cây trồng.

Triển vọng từ mô hình nuôi giun quế ở Vũ Quang

Sau 2 năm, mô hình nuôi giun quế của anh Nhật đã được mở rộng diện tích hơn 600 m2.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, anh Nhật đã dày công tìm hiểu sách báo, tài liệu, đồng thời tiếp tục đi tham quan các mô hình ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nuôi giun quế. Sau khi đã tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm, anh bàn với gia đình thuê hơn 3 ha diện tích đất trồng keo tại tổ dân phố 2, thị trấn Vũ Quang để thực hiện mô hình.

Anh đã đầu tư hơn 120 triệu đồng xây dựng bể lắng và dãy chuồng khá đơn giản với diện tích chỉ hơn 200 m2 và mua 4,2 tấn giống từ trại giun quế ở Thanh Chương về thả nuôi. Sau đó, anh tiến hành thu gom chất thải từ các trại chăn nuôi lợn trên địa bàn mang về ủ qua chế phẩm sinh học và sử dụng làm thức ăn hằng ngày cho giun.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên giun quế phát triển mạnh. Đến nay, anh Nhật đã mở rộng diện tích nuôi hơn 600 m2; đồng thời, lắp đặt thêm hệ thống tưới phun mưa đảm bảo giun sinh trưởng và phát triển tốt.

Triển vọng từ mô hình nuôi giun quế ở Vũ Quang

Sản phẩm từ giun quế của anh Nhật được các trang trại tại Vũ Quang và các huyện lân cận thu mua ngày một nhiều.

Vui mừng chia sẻ thành quả của mình, anh Nhật cho biết: “Qua thời gian gây dựng, kết quả thu được đã vượt ngoài sự mong đợi của tôi và gia đình. Sản phẩm từ giun quế được các cơ sở, trang trại tại Vũ Quang và các huyện lân cận thu mua, sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản ngày càng nhiều. Còn phân hữu cơ vi sinh được xuất bán cho các mô hình trồng rau, quả theo hướng VietGAP và hữu cơ. Ngoài ra, tôi còn xuất bán con giống cho người dân có nhu cầu”.

Được biết, gần 2 năm nay, trang trại của anh Nhật đã xuất bán được 30 tấn phân vi sinh, gần 2 tấn giống, 1 tấn giun thịt, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt, mô hình đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Vũ Quang. Với đặc tính ưa thích thức ăn là phân động vật, giun quế nhanh chóng “xử lý” thức ăn khi ngâm ủ cùng chế phẩm vi sinh giúp khử mùi hôi, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Anh Nhật thông tin: “Mùa đông, giun sinh trưởng và phát triển mạnh hơn nên mỗi tháng có thể thu nhập từ 17 - 20 triệu đồng; mùa hè do điều kiện nắng nóng, giun phát triển hạn chế nhưng cũng cho nguồn thu từ 8 - 10 triệu đồng”.

Triển vọng từ mô hình nuôi giun quế ở Vũ Quang

Nuôi giun quế không chỉ giúp gia đình anh Nhật có thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

"Nuôi giun quế không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Hiệu quả của mô hình nuôi giun quế kết hợp sản xuất phân hữu cơ vi sinh do anh Thái Quang Nhật xây dựng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương theo hướng gắn với bảo vệ môi trường. Đây cũng là vấn đề địa phương rất quan tâm trong quá trình thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh" - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Quang Lê Ngọc Trung đánh giá về mô hình của anh Nhật.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...