Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại Đại Ngàn ở thôn 6 (xã Đức Bồng), chị Bùi Thị Khuyên - chủ trang trại không giấu được niềm vui khi những cây tre tứ quý đang “bén rễ” từng ngày trên vùng đất đồi của gia đình và bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá.
Chị Khuyên cho biết: “Trước đây, vùng đất đồi này được quy hoạch trồng cam nhưng sau nhiều năm, cam dần già cỗi, thoái hóa nên hiệu quả kinh tế sụt giảm. Vì thế, gia đình tôi đã cùng bàn bạc, dành thời gian tìm hiểu những loại cây trồng mới nhằm thay thế cây cam. Đến đầu năm 2021, sau nhiều lần đắn đo, gia đình đã quyết định lựa chọn giống tre tứ quý làm cây trồng chính”.
Trên diện tích 5 ha đất đồi của gia đình, chị Khuyên đã quy hoạch hơn 2 ha để trồng 1.000 gốc tre tứ quý. Đồng thời, đầu tư gần 100 triệu đồng để thuê máy móc san ủi mặt bằng và mua cây giống ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng. Đến nay, cây tre đang phát triển tốt từng ngày và mang về nguồn thu khá cho gia đình.
Hơn 3 năm gắn bó với cây trồng này, chị Khuyên cho biết, trồng tre tứ quý lấy măng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật và quy trình chăm sóc. Trong quá trình canh tác, người trồng chỉ cần thường xuyên phát dọn cành để tạo môi trường thông thoáng, đảm bảo nước tưới giữ ẩm cho gốc tre nhằm kích thích cây ra măng non; tiến hành đốn bỏ những cây tre già trong vườn để lứa măng tơ phát triển và mỗi bụi chỉ giữ lại 3 - 4 cây để tre nhanh cho măng to. Ngoài ra, cần bón lót phân chuồng mỗi năm 2 lần để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây tre tứ quý có nguồn gốc từ Đài Loan, là giống tre dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất. Cây cho thu hoạch măng quanh năm, năng suất cao. Đặc biệt, tre tứ quý không bị sâu bệnh gây hại nên khi trồng không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm qua chế biến có màu vàng bắt mắt nên rất được thị trường ưa chuộng.
“Tre tứ quý trồng khoảng 8 tháng bắt đầu cho thu hoạch măng đợt đầu tiên, mỗi búp đạt từ 1,5 - 2,5 kg. Nhờ chất lượng ngon hơn những loại măng khác nên măng tứ quý luôn được tiểu thương, khách hàng săn đón. Giá bán mùa thuận khoảng 10 - 12 nghìn đồng/kg nhưng mùa nghịch (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau) lên đến 20 - 25 nghìn đồng/kg. Để thu lợi nhuận cao, gia đình tôi tập trung thu hoạch măng vào mùa nghịch. Sau tháng 5 thì hạn chế thu măng, thay vào đó lựa những búp măng đẹp, to để dưỡng thành cây chiết nhánh làm giống” - chị Khuyên cho biết.
Để tăng thu nhập, hiện nay, chị còn bán cả cây giống, mỗi cây có giá từ 25 - 30 nghìn đồng. “Mỗi năm, từ việc bán măng và cây giống, gia đình tôi thu về hơn 300 triệu đồng. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế tốt, tre tứ quý còn góp phần chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững cho gia đình” - chị Khuyên chia sẻ.
Nhờ thị trường tiêu thụ măng tre tứ quý ổn định nên chị Khuyên đang hướng đến việc mở rộng diện tích trồng lên 4 ha. Đặc biệt, hiện tại, chị đã chế biến sâu các sản phẩm từ măng như: măng chua, măng khô... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Quá trình trồng thử nghiệm tại trang trại chị Khuyên, địa phương nhận thấy, tre tứ quý là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện nhà, đem lại nhiều triển vọng phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các xã, thị trấn có quỹ đất đến học hỏi, nhân rộng mô hình, từng bước đa dạng hoá cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện để nâng cao thu nhập cho người dân.