Trung bình mỗi trái dưa lưới nặng từ 1,7 - 2 kg
Sau 13 năm gắn bó với Công ty Vận tải Thương mại 223 (Tổng Công ty Hợp tác Quân khu 4), năm 2016, anh Thuận trở về quê hương vì công ty không còn việc làm.
Ban đầu anh định mở xưởng mộc, kinh doanh đồ gỗ nhưng khi người chị họ là giảng viên đại học chuyên ngành trồng trọt gợi ý sẽ chuyển giao toàn bộ khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới, anh Thuận liền gật đầu.
Sau một thời gian lắp đặt nhà màng cùng hệ thống tưới nhỏ giọt trên khuôn viên đất rộng 500m2 của gia đình tại thôn Khang Thịnh, với tổng số vốn đầu tư trên 300 triệu đồng, tháng 7/2018, anh Thuận tiến hành trồng dưa lưới. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên vụ đầu tiên anh chỉ thu được 50 triệu đồng.
Mô hình trồng dưa lưới nhà màng rộng 4,2 ha của anh Phan Hồng thuận tại thôn Nam Sơn
Năm 2019, anh Phan Hồng Thuận triển khai trồng tiếp 3 vụ dưa lưới, dù thời tiết không “ủng hộ” nhưng lợi nhuận thu về cũng không tệ khi “bỏ túi” trên 100 triệu đồng mà không tốn quá nhiều công sức.
Nhận thấy mô hình trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2020, anh Thuận tiếp tục đầu tư thêm 7 nhà màng (1,2 tỷ đồng) trên khuôn viên rộng 4,2 ha tại thôn Nam Sơn, xã Xuân Viên.
Theo anh Thuận, đầu năm mưa nhiều khiến quá trình sinh trưởng của dưa lưới chậm lại nhưng vụ đầu tiên cũng thu được 9 tấn. Với giá bán 42.000 đồng/kg, doanh thu của 7 nhà màng đạt gần 380 triệu đồng, lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Thời gian trồng dưa lưới đến khi thu hoạch kéo dài 60 - 70 ngày/vụ nên mỗi năm có thể canh tác từ 3 - 4 vụ.
Chăm sóc cây con giai đoạn đầu có ý nghĩa quan trọng trong quá trình sinh trưởng của dưa lưới
Hệ thống nhà kính trồng dưa lưới của anh Thuận có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, đồng thời chủ động chế độ dinh dưỡng nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, các nhà màng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.
Anh Thuận áp dụng mô hình trồng dưa lưới theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Hạt không gieo trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất.
Mỗi gốc dưa chỉ để lại 1 trái nên phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái cũng như tránh dịch bệnh.
Đối với hệ thống tưới, anh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân Lê Thanh Bình cho biết, tháng 5/2020, dưa lưới của anh Phan Hồng Thuận được công nhận là sản phẩm VietGAP. Thế nên, dưa lưới của anh thu hoạch đến đâu là tiêu thụ đến đó. Mô hình trồng dưa lưới của anh Thuận đã tạo thêm việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Đóng gói sản phẩm để giao cho khách hàng
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Viên Đậu Minh Ngụ, “thành công của mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình mà còn là mô hình điểm để các hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích và cải thiện thu nhập cho người dân vùng nông thôn".