Xuống giống từ tháng 10 (âm lịch), thời điểm này, 2.000 m2 dưa chuột trong vườn của chị Bùi Thị Bình (thôn Quyết Tâm, xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) đã cho thu hoạch. Đều đặn ngày mỗi lần, chị Bình hái từ 1 - 1,5 tạ dưa để chờ thương lái đến nhà thu mua. Với giá bán 6.000 đồng/kg, mỗi ngày, gia đình chị thu nhập từ 600.000 - 900.000 đồng.
Mỗi ngày, chị Bùi Thị Bình (thôn Quyết Tâm, xã Cẩm Trung) thu hoạch từ 1 - 1,5 tạ dưa chuột
Chị Bùi Thị Bình phấn khởi cho biết: “Dưa thường dễ tiêu thụ vào dịp tết và được giá nên từ đầu vụ, nhiều người dân đã tập trung xuống giống sớm. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dưa chuột phát triển tốt, ra hoa nhiều và sai quả. Mới đầu vụ nhưng gia đình đã thu về hơn chục triệu đồng”.
Cũng bước vào vụ thu hoạch dưa chuột, thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa (thôn Quyết Thắng) bận rộn hơn so với ngày thường. Ông Nghĩa tâm sự, gia đình chỉ cần hái rồi thương lái đến mua tận nhà, còn nếu chịu khó vận chuyển ra chợ thì bán được giá cao hơn.
Tết này, ông Nguyễn Văn Nghĩa (thôn Quyết Thắng, xã Cẩm Trung) thu về hơn 10 triệu đồng từ thu hoạch dưa chuột
“Xuống giống sớm nên cuối tháng 11 gia đình đã có dưa chuột bán. Đầu vụ, dưa chuột có giá 15.000 đồng/kg, thời điểm này giá chỉ còn 6.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, mức giá này, nông dân chúng tôi đã có lãi vì trồng dưa chuột chi phí thấp. Vụ này, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 15 tạ và thu về hơn 10 triệu đồng rồi” - ông Nguyễn Văn Nghĩa cho hay.
Dưa chuột là giống cây trồng ngắn ngày, sau 1 tháng xuống giống, cây đã cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài trong vòng 1 tháng nên bà con nông dân xã Cẩm Trung tranh thủ tận thu hết sản phẩm. Hết lứa này, người dân lại xuống giống gối vụ lứa khác nên thu hoạch quanh năm.
Mướp đắng và các loại rau màu khác đã lên xanh mướt khắp vườn của ông Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Quyết Thắng, xã Cẩm Trung
Ngoài dưa chuột, người dân xã Cẩm Trung còn trồng loại cây chủ lực mướp đắng và nhiều loại rau màu khác để phục vụ thị trường. Khung thời vụ của mướp thường sẽ tiếp sau vụ dưa chuột (khoảng từ tháng 1 hằng năm).
Gia đình chị Phạm Thị Hồng ở thôn Quyết Tâm, xã Cẩm Trung trồng hoa cúc trong nhà lưới
Để nâng cao giá trị sản xuất, hiện nay, một số người dân xã Cẩm Trung còn đầu tư xây dựng nhà lưới để thử sức với nhiều loại cây trồng khác như: dưa chuột Nhật Bản, hoa cúc các loại...
Sở hữu hơn 10.000 cây hoa cúc, chị Phạm Thị Hồng (thôn Quyết Tâm) phấn khởi chia sẻ: “Trồng trong nhà lưới nên cây hoa sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến tết này, gia đình sẽ thu về trên 50 triệu đồng từ vườn hoa trong nhà lưới. Trên địa bàn đã có 5 hộ đầu tư nhà lưới để trồng hoa và các loại rau màu chất lượng cao”.
Vườn hoa cúc trồng ngoài nhà lưới của gia đình chị Phạm Thị Hồng ở thôn Quyết Tâm, xã Cẩm Trung
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Cẩm Trung có khoảng 1.200 hộ dân trồng cây rau màu trong vườn hộ với tổng diện tích 33 ha. Trong đó, diện tích dưa chuột khoảng 17 ha, mướp đắng khoảng 16 ha. Hộ trồng diện tích nhiều nhất khoảng 2.500 m2, hộ ít nhất khoảng 500 m2. Cây dưa chuột, mướp đắng đang là cây trồng chủ lực góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Với lợi thế đất pha cát, xã Cẩm Trung rất thích hợp trồng dưa chuột và mướp đắng. 10 năm qua, địa phương đã tập trung phát triển 2 loại cây trồng chủ lực này. Đặc biệt, từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, người dân phá bỏ vườn tạp trồng rau, vì thế diện tích ngày càng tăng. Hiện nay, Cẩm Trung là địa phương có diện tích rau màu trong vườn hộ lớn nhất huyện với 33 ha. Riêng năm 2021, tổng sản lượng dưa chuột, mướp đắng toàn xã đạt bình quân 75 tạ/ha. Người dân thu nhập bình quân 1 sào đạt từ 30 - 40 triệu đồng/năm.