Trung tâm y tế huyện miền núi áp dụng công nghệ hiện đại trong khám chữa bệnh

(Baohatinh.vn) - Thường xuyên cử các y, bác sỹ đi học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo lớn trong nước cùng với đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Y tế Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh.

z5214698373745_154c8165457f1310aa98692ff0895660 (1).jpg
Các bác sỹ phẫu thuật nội soi hệ tiết niệu bằng thiết bị hiện đại tại Trung tâm Y tế Hương Sơn.

Cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, hệ thống trang thiết bị lạc hậu, đặc biệt là thiếu hụt đội ngũ y bác sỹ có tay nghề cao, khiến hoạt động của các trung tâm y tế tuyến huyện gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều bệnh nhân ở Hương Sơn không còn ý định “vượt tuyến” khi lựa chọn Trung tâm Y tế Hương Sơn để khám và điều trị bệnh

Năm 2022, Trung tâm Y tế Hương Sơn đón hơn 85.000 lượt bệnh nhân (đạt 105% so với kế hoạch). Năm 2023 số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại trung tâm đạt trên 90.000 lượt (tăng 110% so với kế hoạch đặt ra). Trong số này có từ 40-50 bệnh nhân là người Lào.

Tuy có quy mô đầu tư ban đầu là 130 giường bệnh, nhưng trên thực tế số lượng giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn hiện đã tăng đến 362 giường bệnh mới có thể đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú của Nhân dân. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn tiếp đón 400 – 450 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh.

z5214698186304_ee72546873f70c0c38cc403647f6d347.jpg
Bác sỹ thăm khám bệnh cho bệnh nhân.

Đây thực sự là “quả ngọt” của chiến lược đầu tư dài hạn trong việc đào tạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của đội ngũ y bác sỹ và thu hút mọi nguồn lực mua sắm trang thiết bị y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân ở Trung tâm Y tế Hương Sơn.

Bác sỹ Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Sơn cho hay: Không phải bây giờ mà 5 năm về trước, đơn vị đã “đi tắt đón đầu” trong việc phối hợp với các cơ sở y tế lớn trong cả nước như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương Huế nhằm tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sỹ, kỹ thuật viên của trung tâm.

Hằng năm vừa nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ 18 – 20 bác sỹ (trong tổng số 53 bác sỹ) trong khoảng thời gian khá dài (1-2 năm) lại phải đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh hằng ngày cho Nhân dân là điều chẳng dễ dàng, thế nhưng, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn đã linh hoạt bố trí công việc và nguồn nhân lực một cách khoa học để lấp đầy “khoảng trống” về thiếu hụt bác sỹ.

Để động viên khích lệ những người tham gia các khóa học nâng cao trình độ, toàn bộ chi phí đào tạo mỗi năm 350 – 400 triệu đồng đều do đơn vị tài trợ. Bên cạnh nâng cao trình độ y đức, chuyên môn, hằng năm, Trung tâm Y tế Hương Sơn còn huy động được hơn 7 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay.

Đến nay, ngoài việc sở hữu những thiết bị hiện đại như máy mổ Plas nội soi tai mũi họng, trung tâm còn đầu tư mua sắm mới máy siêu âm sử dụng trí tuệ nhân tạo AI công nghệ cao để siêu âm đàn hồi mô gan... Với đội ngũ y, bác sỹ, kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu, thành thạo trong sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại, bệnh nhân sẽ được thực hiện các biện pháp điều trị mới như phẫu thuật tán sỏi bàng quang ngược dòng; phẫu thuật cắt thận; phẫu thuật đục thủy tinh thể; cắt amidan bằng phương pháp Plasma; siêu âm tuyến vú, tuyến giáp bằng công nghệ AI.

z5214698362256_bd77384a2b7969e5379454da50ca5ce5.jpg
Siêu âm cho bệnh nhân bằng những thiết bị hiện đại.

Mắc khá nhiều bệnh lý về đường hô hấp, tai mũi họng nên mỗi lần bệnh tái phát, bà Trần Thị Hồng (SN 1961, trú thôn 5, xã Sơn Trường) lại lên xe giường nằm để ra tận Hà Nội khám và điều trị. Theo bà, chỉ có ra tuyến cao nhất bệnh của bà mới thuyên giảm.

Thế nhưng, trong 1 lần cùng người bạn đến khám, điều trị bệnh viêm mũi tại Trung tâm Y tế Hương Sơn, thấy bệnh tình thuyên giảm rõ rệt, bà Hồng đã thay đổi hẳn quan niệm. “Bây giờ mỗi lần đau ốm, dù nặng hay nhẹ, tôi đều đến Trung tâm Y tế Hương Sơn. Bởi ra Hà Nội không chỉ tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian mà mỗi lần đi và chờ đợi để được vào khám hết sức vất vả” - bà Hồng cho biết.

z5214698264245_9895fdc3058911bc22561bb1f82141bc.jpg
Hằng ngày có rất nhiều bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y tế Hương Sơn.

Không chỉ thu hút lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh ngày càng tăng, thực hiện tự chủ 100% trong công tác khám, chữa bệnh, từ năm 2018 đến nay, nguồn thu tự chủ của trung tâm tăng đều hằng năm, năm sau cao hơn năm trước từ 5-10%; những quyền lợi của đội ngũ y bác sỹ như tiền lương, phụ cấp, tăng ca..., ngày càng được đảm bảo.

Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Minh Đức cho biết: Nâng cao chất lượng y đức, thái độ ứng xử, đặc biệt là việc xây dựng chiến lược đầu tư có tầm nhìn về con người, trang thiết bị cũng như huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên Trung tâm Y tế Hương Sơn thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị. Nhiều năm lại nay, Y tế Hương Sơn luôn ổn định và nằm trong tốp đầu của ngành Y tế Hà Tĩnh.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.