Facebook đăng bán hàng của em M (đã thay đổi tên nhân vật)
Học sinh “mất tích” do vay tiền bán hàng online
Đêm 26/5 vừa qua, cả thôn N xã T.L (Lộc Hà) náo loạn bởi, em M. (đã thay đổi tên nhân vật), 14 tuổi, người trong làng đột ngột “mất tích”. Gia đình em huy động cả thôn đi tìm. Bố em M. cùng hàng chục người đỏ đèn suốt đêm bên đập nước gần nhà để tìm kiếm. Thậm chí sau 1 đêm không tìm thấy, gia đình cho rằng em mất tích nên trình báo công an địa phương nhờ hỗ trợ. Các trang mạng xã hội cũng được huy động để tìm kiếm nữ sinh này.
Rất may sau đó, người nhà phát hiện em M. đang trốn trong một ngôi miếu hoang trên núi Hồng Lĩnh. Nữ sinh này được đưa về nhà trong trạng thái tinh thần hoảng loạn.
Bị lừa đảo khi bán hàng trên mạng khiến em M hoảng loạn, sợ hãi bỏ trốn. (Trong ảnh: Em M. được cô giáo chủ nhiệm trấn an tinh thần).
Sau khi đã ổn định tinh thần, em M. (học sinh lớp 8) kể lại: 2 tháng trước, em được bố mua cho một chiếc điện thoại thông minh để học online trong mùa dịch Covid-19. Sau những giờ học, M. thường xuyên lên facebook, thấy nhiều bạn bè bán hàng online nên bắt chước làm theo.
Khoảng 2 tuần trước, được sự hướng dẫn của một số tài khoản bán sỷ trên facebook (không rõ địa chỉ cụ thể), M. đặt 38 chiếc quạt mi ni chạy pin và một số mỹ phẩm. Phía tài khoản facebook bán hàng buộc M. phải đặt cọc trước một số tiền khá lớn, bằng cách nộp qua thẻ cào điện thoại. Để có tiền mua hàng, nữ sinh này đã nói dối để vay mượn bạn bè và người thân gần 8 triệu đồng. Sau khi nộp tiền đặt hàng thì M. không còn liên lạc được với tài khoản kia nữa.
Xem bán hàng online như chơi đồ hàng, nhiều nữ sinh "khoe" hết thông tin lên MXH và vô tình trở thành đối tượng cho kẻ xấu lợi dụng" ( Ảnh: chụp từ facebook của một nhân vật)
Việc vay nợ bán hàng online của em M. bị gia đình phát hiện khi các “chủ nợ” đến nhà đòi tiền. Hơn 1 tuần nay, sau khi tịch thu điện thoại và trả hết nợ cho M, bố nữ sinh này quyết định kèm con đi học mỗi ngày.
Bị phỉ báng vì trở thành "hiện tượng" mạng xã hội
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một nick name được nhiều người quan tâm theo dõi và chia sẻ. Đó là nick name Bé Bột Vlog của em V. Q. A, nữ sinh lớp 6 của một trường THCS ở Cẩm Xuyên.
Bé Bột Vlog thường xuyên lên facebook trực tiếp (livestream) để bán đủ mặt hàng, trong đó có những mặt hàng của người lớn như: mỹ phẩm, quần áo... Mỗi video bán hàng của em có hàng chục nghìn người vào theo dõi, chia sẻ và bình luận.
Em V.Q. A. bực bội khi một số người vào bình luận phản cảm (Ảnh: facbook nhân vật).
Chưa biết hiệu quả thực sự trong việc bán hàng của A. như thế nào nhưng ngay phía dưới những video khi nữ sinh này livestream xuất hiện hàng loạt bình luận thô tục, phản cảm của người lớn. Đó là những từ ngữ chỉ nội y “không thông dụng” của phụ nữ, thuốc kích dục hay chê bai những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể em… Điều này được V.Q.A đọc lên trong khi đang livestream với thái độ bực bội.
Không những thế, ngay trên facebook của em, một số kẻ còn đăng video cắt ghép hình ảnh của V.Q.A. với ý đồ phỉ báng, lăng mạ em.
Bé Bột hồn nhiên trong cuộc sống đời thường.
Chị Nguyễn Thị Thanh, 40 tuổi (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh), chia sẻ: “Bản thân tôi là người mẹ của 2 con gái đang tuổi học trò nên cảm thấy bức xúc và đau lòng khi thấy các em nữ sinh bị kẻ xấu lừa đảo hay phỉ báng trên mạng xã hội như vậy. Tôi nghĩ, để tránh hệ lụy xảy ra, chúng ta cần bảo vệ con em mình bằng cách kiểm soát việc sử dụng và giáo dục ý thức để các con hiểu những mặt trái của mạng xã hội”.
Dù luật chưa có quy định cụ thể về các hình thức bán hàng online của trẻ em, nhưng việc để trẻ dưới 16 tuổi bán những món hàng không phù hợp với lứa tuổi và gián tiếp để đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, dọa dẫm, dùng từ ngữ khiêu dâm và phỉ báng trẻ em là vi phạm luật pháp.
Một số trong nhiều comments quấy rối trên facebook bán hàng của V.A.Q
Trung tá Nguyễn Phi Hải - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh cảnh báo: “Gần đây, tình trạng người sử dụng mạng xã hội đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng thực hiện các phi vụ lừa đảo hoặc quấy rối. Trong đó, đặc biệt là các học sinh nữ (lứa tuổi 12-16) là đối tượng dễ bị dụ dỗ, dọa dẫm, bắt nạt và lừa đảo.
Điển hình gần đây có trường hợp nữ sinh Hà Tĩnh dưới 16 tuổi bị đối tượng xấu dụ dỗ hẹn ra ngoại tỉnh thực hiện hành vi hiếp dâm... Hiện nay, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực, các lực lượng chức năng luôn theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, sự vào cuộc của gia đình, nhà trường trong vấn đề giám sát con em mình là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó, cần tuyên truyền và giám sát chặt chẽ việc sử dụng smart phone và các thiết bị công nghệ của trẻ em để tránh gây ra hệ lụy đáng tiếc...”.
Tin liên quan: