Với quyết tâm đánh thức tiềm năng đất đai, vụ xuân năm 2021, huyện Can Lộc đã thực hiện cuộc “cách mạng” phá bờ vùng, bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn. Sự đồng thuận của Nhân dân đã giúp Can Lộc làm nên bước đột phá trên đồng ruộng. Những cánh đồng lớn, năng suất vượt trội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trên mảnh đất Xô viết anh hùng.
Video: Đồng xanh cho trái ngọt (thực hiện: Minh Đông).
Sau thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Can Lộc đã có bước chuyển tích cực, tạo tiền đề cho việc giải phóng sức lao động, ứng dụng KHKT vào sản xuất. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp còn chậm, diện tích ruộng đất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Các tiềm năng, lợi thế về đất đai, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được khai thác một cách triệt để, chưa đạt hiệu quả cao.
“Việc BTV Huyện ủy ban hành Nghị quyết 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020-2025 được xem là đột phá trong công tác chỉ đạo đối với ngành kinh tế chủ lực tại địa phương. Đây cũng là giải pháp quan trọng hàng đầu để gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, ông Đặng Trần Phong - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết.
Những bờ vùng, bờ thửa nhỏ lần lượt được phá bỏ mang theo những khát vọng của người dân về bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong nhiệm kỳ đã tạo khí thế mới, động lực mới và mang cả niềm hy vọng mới đến với người dân. Từ tinh thần chỉ đạo mỗi xã 1 mô hình (mỗi mô hình từ 20 ha trở lên), trước thềm vụ xuân 2021, những ca máy đầu tiên đã khởi động trên cánh đồng các xã: Khánh Vĩnh Yên, Kim Song Trường, Tùng Lộc, thị trấn Đồng Lộc,...
Ông Trần Văn Sự (thôn Lương Hội, xã Khánh Vĩnh Yên) cho biết: “Gắn bó với ruộng đồng gần hết cuộc đời, chưa bao giờ tôi chứng kiến khí thế sôi nổi với quyết tâm lớn trong cuộc “cách mạng” cải tạo ruộng đất như bây giờ. Qua bao nhiêu cuộc họp bàn và cả những câu chuyện bên lề, chủ trương lớn đã đi vào cuộc sống”.
Những bờ vùng, bờ thửa nhỏ lần lượt được phá bỏ, những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” ở các xã: Kim Song Trường hơn 30 ha, Khánh Vĩnh Yên 40 ha, Tùng Lộc 43 ha, Vượng Lộc 52 ha, Trung Lộc 32,7 ha, Phú Lộc 33,5 ha… được hình thành, mang theo khát vọng của người dân về sự đổi thay, bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
“Với khí thế ra quân sôi nổi của các địa phương, ngay trong năm đầu thực hiện nghị quyết, Can Lộc đã giành thắng lợi lớn trên cả 2 phương diện. Toàn huyện đã tập trung ruộng đất trên diện tích hơn 930 ha (đạt hơn 230% kế hoạch đề ra). Những cánh đồng lớn 1 giống, 1 quy trình sản xuất đã góp phần mang về cho người dân mùa vàng bội thu”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phan Cao Kỳ cho biết.
Với năng suất lúa bình quân đạt 61 tạ/ha, vụ xuân năm 2021 trở thành dấu mốc đáng nhớ của nông dân Can Lộc. Một số xã có năng suất bình quân vượt trội như: Tùng Lộc 65,1 tạ/ha, Thanh Lộc 64 tạ/ha, Khánh Vĩnh Yên 64 tạ/ha, Kim Song Trường 63,3 tạ/ha… Đây cũng là vụ sản xuất có năng suất cao nhất trong 10 năm trở lại nay của huyện lúa Can Lộc.
Ông Phan Văn Lập (thôn Đình Hồ, xã Kim Song Trường) cho biết: “Gia đình tôi có 7 sào trên cánh đồng tập trung rộng hơn 10 ha. Năm đầu tiên thực hiện phá bờ thửa nhỏ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, người dân chúng tôi giải phóng được sức lao động, tiết kiệm được ngày công làm đất, dọn bờ. Thêm vào đó, việc thực hiện phương châm sản xuất chung 1 cánh đồng, 1 loại giống, lịch thời vụ, đã góp phần tăng năng suất và giá trị hàng hóa so với trước. Tính ra, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với phương thức sản xuất cũ”.
Video: Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường nói về thực hiện NQ 01
Quá trình triển khai Nghị quyết 01, địa phương đầu tiên của Can Lộc là xã Thuần Thiện đã tạo bước đột phá với việc thực hiện phá bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi ruộng đất gắn với tập trung ruộng đất trên 100% diện tích. Sau khi phá bờ vùng, bờ thửa, ruộng của người dân được tập trung quy về một mối. Toàn xã có 1.200 hộ tại 9 thôn thực hiện chuyển đổi ruộng đất trên diện tích 512 ha, trong số đó có khoảng 800 hộ đã đầu tư thêm kinh phí để cải tạo lại ruộng trước khi xuống giống với mỗi hộ từ 4 - 20 triệu đồng.
Những cánh đồng thửa lớn trên miền quê nông thôn mới Can Lộc.
“Bài toán khó của xã về quyền sở hữu đất sau chuyển đổi cũng đã được huyện chung tay gỡ khó bằng việc tạo điều kiện để xã trích lục lại bản đồ và xúc tiến việc cấp lại bìa mới cho Nhân dân. Đây cũng là cơ sở pháp lý đảm bảo ổn định lâu dài về tài sản cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho mượn, cho thuê đất, góp đất sản xuất hoặc chuyển quyền sử dụng đất trong quá trình tiến tới tích tụ ruộng đất”, ông Nguyễn Nam Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện thông tin.
Chặng đường mới trong sản xuất nông nghiệp ở Can Lộc đã bắt đầu. Tuy nhiên, qua thực tiễn trong năm đầu thực hiện cho thấy, việc dồn điền, đổi thửa ở các xã vẫn còn những “nút thắt” cần tháo gỡ.
Thực tế dồn điền, đổi thửa ở Can Lộc mới chỉ dừng lại ở phá bờ thửa nhỏ, chưa chuyển đổi được phương thức sản xuất, liên doanh liên kết. Vì vậy, phần lớn các địa phương, trong đó có xã dù đã hình thành ô thửa lớn nhưng vẫn chưa thành lập được các tổ hợp tác, HTX, theo đó, chưa hình thành được vùng sản xuất giống và nguyên liệu. Bà con nông dân vẫn sản xuất theo truyền thống, nền sản xuất nhỏ lẻ và nông hộ.
Mùa vàng bội thu trên những cánh đồng thửa lớn ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết.
Trưởng phòng NN&PTNT Phan Cao Kỳ cho biết: “Trong năm đầu (2021), các địa phương đã thực hiện thành công bước phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn nhưng chưa thành lập được tổ hợp tác, HTX để thực hiện liên kết sản xuất. Do vậy, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất của tỉnh gặp khó khăn, chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, một số hồ sơ, thủ tục chưa thực sự khoa học cũng là nguyên nhân khiến các vùng sản xuất thiếu mặn mà với chính sách của tỉnh”.
Thực tiễn cho thấy, việc dồn điền đổi thửa ở các xã vẫn còn những “nút thắt” cần tháo gỡ.
Phá bờ thửa nhỏ, hình thành được ô thửa lớn nhưng số hộ canh tác trên đồng ruộng vẫn không thay đổi là thực tế đang diễn ra ở tất cả các địa phương. Như ở HTX Dịch vụ môi trường thủy lợi xã Tùng Lộc - một trong số ít HTX được thành lập trên diện tích sản xuất tập trung sau khi phá bờ vùng, bờ thửa, dù có 43 ha đất sản xuất, tuy nhiên, số xã viên vẫn được giữ nguyên với 370 hộ.
“Xã viên đông, việc thống nhất ý kiến của bà con hết sức khó khăn, nên dù có cơ hội nhưng HTX chúng tôi vẫn chưa thể thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm”, ông Đặng Văn Ảnh - Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường thủy lợi xã Tùng Lộc chia sẻ.
Cái khó nữa là sau chuyển đổi ruộng đất, người nông dân chưa được chuyển đổi nghề. Hầu hết bà con vẫn gắn bó và canh tác trên đồng ruộng, muốn giữ lại ruộng đất để tự canh tác, phương án tập trung ruộng về một đầu mối để doanh nghiệp, HTX thuê đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn vẫn chưa thể triển khai…
Vẫn còn những băn khoăn, trăn trở, những hạn chế, khó khăn cần được tháo gỡ trong quá trình thực hiện “cuộc cách mạng lớn” về ruộng đất, song, từ kết quả sau 1 năm thực hiện, Nghị quyết 01 của BTV Huyện ủy Can Lộc được đánh giá là chủ trương lớn hợp lòng dân, phù hợp với lợi ích của Nhân dân. Thành công trong năm đầu đã tạo niềm tin, động lực để Can Lộc vững bước tiếp tục thực hiện lộ trình nghị quyết đề ra, biến giấc mơ nông nghiệp trở thành mũi đột phá của nền kinh tế.
Bài 2: Tập trung đồng bộ, đưa sản xuất lúa gạo phát triển bền vững