Ba bàn thắng của Văn Hậu và Hùng Dũng đã đưa U22 Việt Nam lên đỉnh SEA Games. Đó là huy chương vàng mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam chờ đợi suốt 60 năm. Nhiệm vụ dai dẳng kể từ khi Việt Nam quay trở lại với đấu trường SEA Games đã được hoàn tất. Và bây giờ, sau chức vô địch ấy, chúng ta cũng có thể bắt đầu tìm câu trả lời cho câu hỏi “có nên nhìn về “hậu” bằng đôi mắt “hùng dũng”?.
Tất nhiên, trong câu hỏi ấy không hề có ý nhấn vào Văn Hậu và Hùng Dũng nhưng cũng muốn mượn tên họ để nói câu chuyện lâu dài. Nhìn về hậu, với ý là tương lai sau này. Và đôi mắt “hùng dũng” là đôi mắt mang tâm thế mới cho bóng đá Việt Nam ở trang mới.
U22 Việt Nam sở hữu lứa cầu thủ chất lượng
Tiền vệ Hùng Dũng để lại dấu ấn lớn trong hành trình cùng U22 Việt Nam giành HCV SEA Games. Ảnh: Minh Chiến . |
Chúng ta đã trải qua SEA Games với những trận đấu cam go cuối cùng mà không có Quang Hải, cái tên sáng nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta đã làm được gì, đi tới đâu khi không có Hải? Gần như không trở ngại nhiều, kể cả là tâm lý. Lối chơi đã được định hình và những người còn lại vẫn làm quá tốt việc của mình. Thành tích tuy không ghi tên Quang Hải nhưng thực tế lại cho thấy một nét tích cực: U22/23 có thể không phải phụ thuộc vào một cái tên ngôi sao nào.
Ông Park Hang-seo đã lên danh sách tập trung U23 đi tập huấn Hàn Quốc để chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á 2020 . Trong danh sách ấy, tất nhiên không có Hùng Dũng và Trọng Hoàng vì tuổi tác và cũng không có cả Văn Hậu vì phải trở về CLB. Và sau vòng chung kết U23, tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục vòng loại World Cup, rồi cuối năm 2020 lại là AFF Cup . Dòng chảy bóng đá sẽ tiếp tục và các cấp đội tuyển sẽ lại tạo sóng trong lòng người hâm mộ tiếp tục.
Quay trở lại với câu chuyện Quang Hải và SEA Games vừa rồi, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ rằng chấn thương đã không cho phép Quang Hải đóng góp nhiều. Và chấn thương của Hải là điều chúng ta rất cần nói tới để nhìn về “hậu” khi mà nguyên nhân chấn thương chủ yếu đến từ sự quá tải. Năm 2019, Quang Hải đã chơi tới 60 trận, con số mà ngay cả một cầu thủ chuyên nghiệp ở các giải hàng đầu châu Âu cũng phải coi là khá nhiều.
Quang Hải liên tục ra sân trong màu áo CLB Hà Nội và các đội tuyển quốc gia trong 2 năm. Đồ họa: Minh Phúc . |
Quang Hải thực sự bắt đầu lộ sáng ở hệ đội tuyển kể từ chiến dịch vòng loại World Cup U20 và vòng chung kết U20 thế giới năm 2017. Và ở World Cup U20 diễn ra tại Hàn Quốc năm ấy, chúng ta chung bảng với Honduras, New Zealand và Pháp. Cũng cùng thời gian ấy, đội tuyển Pháp tập trung và cầu thủ mới nổi của bóng đá Pháp thời điểm đó là Mbappe đã không tham dự World Cup U20. Thay vào đó, anh tập trung cùng tuyển quốc gia cho trận giao hữu với Paraguay và trận vòng loại World Cup 2018 trước Thụy Điển.
Tương tự với trường hợp Mbappe ở Pháp là Dele Alli, Rashford của Anh, là Guedes, Joao Felix, Renato Sanches, Ruben Neves của Bồ Đào Nha. Lý do cơ bản của các liên đoàn bóng đá ấy là gì? Phải chăng họ không coi trọng thành tích ở World Cup U20? Hay bởi nền bóng đá của họ quá dồi dào nguổn cầu thủ giỏi?
Câu hỏi cuối có lẽ hợp lý hơn cả, nhưng cơ bản nhất vẫn là nguyên tắc vận hành của các hệ đội tuyển ở các nền bóng đá ấy. Họ cũng cần thành tích ở các giải trẻ, nhưng không bao giờ đưa một tuyển thủ quốc gia ở đội lớn xuống chơi ở đội tuyển trẻ trừ phi đó là tăng cường cho một danh hiệu rất cao quý: HCV Olympic.
Từ câu chuyện kể trên, chúng ta quay lại với bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta không thể áp dụng máy móc lề lối vận hành của một nền bóng đá tiên tiến nào đó vào Việt Nam và tin rằng nó cũng sẽ vận hành tốt. Nhưng đã đến lúc chúng ta có quyền bước vào các giải đấu với những cách tiếp cận khác nhau mà cụ thể hơn là những giải kiểu như SEA Games, chúng ta không cần dồn toàn lực cho U22 sau khi chúng ta đã hoàn thành mục tiêu có HCV.
Bóng đá Việt Nam hướng tới mục tiêu lớn sau SEA Games
Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo làm nức lòng người hâm mộ với HCV SEA Games 30. Ảnh: Hoàng Hà . |
Đúng là trước SEA Games 30, chiếc HCV bóng đá nam như nỗi ám ảnh lớn đối với nền bóng đá Việt Nam. Chúng ta từng có những thế hệ đầy hy vọng nhưng cuối cùng vẫn là những thất bại, thậm chí là thất bại cay đắng. Chính vì thế, việc dồn toàn lực của nền bóng đá để đạt được danh hiệu ấy là điều cần làm. Khi đã làm được rồi, mục tiêu hoàn thành, sứ mệnh trọn vẹn, chúng ta có quyền bước vào các SEA Games kế tiếp bằng đôi mắt “hùng dũng” hơn, hay nói khác là bằng sự kiêu hãnh của riêng mình.
Chúng ta nói rất nhiều về giấc mơ World Cup và hiện nay, đội tuyển Việt Nam cũng đang trên hành trình của giấc mơ ấy với ngôi đầu bảng ở vòng loại. Tất nhiên, sau vòng loại sẽ còn tiếp tục là vòng loại nữa gắt gao hơn (nếu chúng ta giữ vững ngôi đầu), nên giấc mơ ấy thực sự là thử thách vĩ đại lúc này. Nhưng sẽ vượt qua thử thách vĩ đại bằng cách nào nếu những cầu thủ trụ cột như Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh, Hà Đức Chinh tiếp tục bị bào mòn bởi những đấu trường giải trẻ?
Nói đến giải trẻ, lại phải nói về vòng chung kết U23 châu Á sắp tới, giải đấu mà ta là đương kim á quân. Ở đó, chúng ta chưa phải đội mạnh để có quyền kiêu hãnh nên bởi vậy, chuyện tập trung những cầu thủ giỏi như Quang Hải, Tiến Linh, Đình Trọng là việc phải làm. Nó không chỉ là chuyện ám ảnh danh hiệu kiểu SEA Games mà nó là cơ hội để các cầu thủ của chúng ta cọ xát thực tế khắc nghiệt và trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, SEA Games thì sẽ rất khác, đặc biệt là SEA Games 31 sẽ tổ chức ở Việt Nam. Liệu chúng ta có dám thoát khỏi áp lực thành tích để bước vào giải đấu ấy đúng nghĩa bằng đôi mắt “hùng dũng”?
Đã đến lúc cần có sự “quy hoạch” giải đấu chặt chẽ hơn, để cân - đo - đong - đếm tầm quan trọng, lợi ích của mỗi giải đấu tham dự và gửi những tuyển thủ tương xứng. Vô địch SEA Games 30, cả nước có niềm vui vỡ òa, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta cứ chỉ thống trị SEA Games hay AFF Cup nhưng vật vã mãi không qua được bãi gửi xe của những đấu trường danh giá hơn?
Trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ
Bóng đá Việt Nam đang sở hữu nhiều cầu thủ trẻ chất lượng, trong đó Văn Hậu (giữa) là một trong những gương mặt nổi bật. Ảnh: Hoàng Hà . |
Và còn có cái lợi lớn nữa cho việc chỉ gửi đội U22 không có các tuyển thủ thuộc hệ đội tuyển quốc gia đi tham dự các kỳ SEA Games trong tương lai mà ta không thể bỏ qua. Đó là đấu trường SEA Games đúng nghĩa sẽ là nơi để các cầu thủ trẻ, các cầu thủ dự bị triệu tập đội tuyển được chứng tỏ bản thân mình, được tích lũy kinh nghiệm trận mạc để có thể sẵn sàng kế thừa đàn anh phục vụ đội tuyển quốc gia.
Nói như vậy không có nghĩa là vô địch SEA Games không quan trọng. Vô địch SEA Games quá quan trọng là khác vì nó là sự kiện kích thích tinh thần cộng đồng rất lớn, tạo động lực đến nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Tuy nhiên, nền bóng đá Việt Nam không chỉ có khu vực Đông Nam Á để so tài. Muốn ra sân chơi lớn hơn, phải tạo đà phát triển. Và đà phát triển phải dựa trên sự toan tính có khoa học, có tầm vóc và bằng cái nhìn dài hạn.
Khoác áo đội tuyển quốc gia là vinh dự và là ghi nhận của các cầu thủ, vận động viên. Tuy nhiên, từ tuyển quốc gia mà xuống khoác áo tuyển trẻ lại là câu chuyện cần được thiết lập lại trong tư duy và cách nhìn của người làm bóng đá để từ đó tác động đến tư duy và cách nhìn của cầu thủ.
Ở các nền bóng đá phát triển, việc từ ĐTQG xuống khoác áo tuyển trẻ bị coi là sự đi xuống của sự nghiệp. Và các danh thủ của chúng ta chắc cũng có suy nghĩ như thế nhưng có thể suy nghĩ ấy bị xoá mờ chỉ vì chỉ tiêu danh hiệu mà người làm quản lý đặt ra cho họ?
Nền bóng đá phải đợi rất lâu mới có thể đón tài năng mang tính biểu tượng. Chờ đợi ấy nhiều khi mất cả vài thế hệ. Vậy thì chúng ta càng phải biết nâng niu những tài năng ta đang có trong tay để tránh vắt kiệt họ đến mức độ họ phải giã từ sự nghiệp từ sớm.
Ví dụ như đôi chân của Quang Hải với chấn thương từ quá tải ở SEA Games vừa rồi. Mạo hiểm Quang Hải chỉ vì một thành tích, có khi chúng ta đạt mục đích nhưng nó chỉ là ngắn hạn mà thôi. Cái mất về lâu về dài sẽ gây nuối tiếc lớn hơn rất nhiều.
Quay trở lại với câu chuyện từ đội chính xuống khoác áo đội trẻ. Nếu các CLB không ham thành tích ở giải trẻ đến mức ném cầu thủ đang chơi V.League của mình xuống các giải trẻ mà cầu thủ ấy còn trong lứa tuổi, thì tại sao VFF không dũng cảm làm điều tương tự? Vô địch SEA Games rồi, bước vào các sân chơi ở Đông Nam Á bằng sự kiêu hãnh cũng là điều xứng đáng mà thôi. Hơn thua nhau là câu chuyện của đường dài chứ không chỉ là danh hiệu được trao trong vài phút.
Khi Anh Đức giã từ đội tuyển quốc gia, nhiều người đã nuối tiếc, dù tuổi của Đức cũng đã lớn rồi. Nhưng thực sự, Anh Đức không phải là kế hoạch duy nhất của ông Park cho đội tuyển quốc gia. Và nếu cơ hội được trao cho Tiến Linh, Đức Chinh… nhiều hơn, trong tương lai, sự vắng mặt của Anh Đức cũng chẳng để lại bất kỳ khoảng trống nào.
Còn bây giờ, sau chức vô địch SEA Games lịch sử mà đóng góp của ngôi sao lớn nhất (Quang Hải) là không nhiều, có nên nhìn về “hậu” bằng đôi mắt “hùng dũng”, để kiêu hãnh trả đội tuyển U22 về cho lứa tuổi dưới 22?