Tuyến đường hư hỏng trong thời gian dài nhưng đơn vị thi công vẫn chưa chịu sửa chữa, gây mất an toàn giao thông.
Tuyến đường có tổng chiều dài 33 km do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, đóng tại tỉnh Ninh Bình thi công, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án ATGT (Bộ GTVT, nay đã sáp nhập với PMU2). Công trình khánh thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2015, nhưng từ năm 2016 đến nay, liên tục xuất hiện hư hỏng nhiều đoạn trên tuyến đường này.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường tránh này có rất nhiều đoạn hư hỏng nặng, hằn lún mặt đường từ 3-5 cm, trong đó có nhiều đoạn lún sâu, tạo thành rãnh ngập nước khi trời mưa như: Km 557 + 00 đến km 560 + 00, km 567 + 300 đến km 567 + 800, km 586 + 200 đến km 570 + 00… Đặc biệt, có những đoạn vết hằn lún sâu từ 6-8 cm kéo dài cả 1.000m giống như “mương dẫn nước”. Nhiều đoạn đã được đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa bằng cách cào bóc, hoặc thay mới lớp mặt nhưng chưa sơn hoàn trả lại vạch kẻ đường, tạo nên nhiều sóng ngang mặt đường.
Sự xuống cấp trầm trọng trên tuyến đường tránh Kỳ Anh làm cho phương tiện khi lưu thông qua đây dễ bị mất lái, nhất là những lúc trời mưa, nước ngập đọng lại trên đường, đặc biệt nguy hiểm cho loại ô tô du lịch nhỏ và xe tải nhỏ.
`
Nhiều đoạn lún sâu, tạo thành rãnh sâu trên mặt đường
Trước thực trạng đó, từ năm 2016 đến nay, Ban ATGT tỉnh đã có rất nhiều văn bản kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải. Sau khi tiếp nhận các kiến nghị, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Công văn số 1136/TCĐBVN–ATGT yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo nhà thầu khắc phục ngay những đoạn hư hỏng mặt đường trước ngày 10/3/2017; chủ đầu tư và nhà thầu chịu trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông do hư hỏng mặt đường gây ra. Được biết, tuyến đường trên đang nằm trong thời gian bảo hành và đã có những công văn chỉ đạo khắc phục, sửa chữa, thế nhưng, đơn vị thi công vẫn “ì ạch”.
Ông Hoàng Minh Việt - Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ngay khi phát hiện tuyến đường này có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, Ban ATGT tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý Đường bộ II chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT trên tuyến, nhất là việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường. Theo đó, đơn vị thi công đã cho sửa chữa một số đoạn nhưng chưa dứt điểm, nhiều đoạn đường sau khi sửa mặt đường không kịp thời hoàn trả bổ sung vạch sơn, biển báo; trong quá trình sửa chữa chưa chú trọng đến công tác đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường đối với đoạn tuyến vừa thi công, vừa khai thác, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao”.
Để đảm bảo ATGT, hạn chế tai nạn giao thông trên đoạn tuyến nói trên, thiết nghĩ, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ II cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công trong việc thường xuyên kiểm tra, phát hiện, kịp thời khắc phục, sửa chữa những hư hỏng, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.