Sáng 30/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đối với 29 bộ, ngành trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 2 của Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm tổ trưởng, phụ trách kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ở 29 cơ quan (gồm: 10 bộ, 6 cơ quan Trung ương và 13 địa phương).
Từ đầu năm đến nay, 29 cơ quan thuộc Tổ công tác số 2 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn NSNN hơn 231.665 tỷ đồng. Đến thời điểm này, số vốn đã phân bổ chi tiết đạt 228.566 tỷ đồng, trong đó có 18 cơ quan đã phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến hết tháng 7/2024, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan thuộc Tổ công tác số 2 đạt hơn 87.072 tỷ đồng, đạt 37,59% kế hoạch vốn được giao và cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước giải ngân đạt 34,68%); có 8 cơ quan giải ngân trên mức bình quân cả nước là: Thanh Hóa, Bộ GTVT, Nghệ An, Bộ Xây dựng, Hà Tĩnh, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Bộ TT&TT; 21 cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó có 5 cơ quan giải ngân rất thấp, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn được giao năm 2024.
Trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan, khả năng cân đối chung, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tổng hợp, dự kiến sẽ điều chỉnh giảm hơn 5.251 tỷ đồng của 6 cơ quan để bổ sung cho các bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu.
Tại hội nghị, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình, dự án; đồng thời bàn các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024.
Một số đơn vị đề xuất: cần chỉ đạo chủ đầu tư tích cực phối hợp với các địa phương trong giải phóng mặt bằng, tái định cư; nâng cao nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, bám sát quá trình xử lý của các cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định; sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng tăng cường phân cấp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị: các cơ quan giải ngân chưa đạt yêu cầu phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung bám sát tình hình thực hiện các dự án để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thi công, bù tiến độ đã chậm từ đầu năm.
Đối với vật liệu xây dựng, khi phê duyệt dự án cần tính toán kỹ, đơn vị nào thiếu vật liệu phải làm việc với ngành tài nguyên để kịp thời điều phối, giải quyết; đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương cần đẩy nhanh giải ngân nhằm đáp ứng tiến độ thực hiện.
Trước ngày 15/9, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần phải hoàn thiện báo cáo đánh giá kết thực hiện và có cam kết về tiến độ giải ngân, điều chỉnh giảm nếu có để gửi về Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Dự kiến, cuối quý III/2024, Tổ công tác số 2 sẽ trực tiếp đi kiểm tra công tác giải ngân vốn đầu tư công ở một số địa phương, đơn vị để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo thực hiện.
Tại Hà Tĩnh, đến ngày 26/8, toàn tỉnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được hơn 3.683 tỷ đồng, đạt 70,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn địa phương quản lý đạt hơn 3.225 tỷ đồng, đạt 73,1% kế hoạch; vốn Trung ương đầu tư trên địa bàn giải ngân đạt hơn 458 tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch.
Để có kết quả này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt trong tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công; thành lập 3 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư... đẩy nhanh tiến độ thi công từng công trình dự án trên địa bàn.