Nếu được Thủ tướng phê duyệt, hãng hàng không Vinpearl Air sẽ bắt đầu cất cánh khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội bay 6 chiếc máy bay thân hẹp Airbus 320-200 Neo, Airbus 321-200 Neo và Boeing 737-NG. Quy mô đội bay sẽ nâng lên 12 chiếc vào năm 2021.
Vinpearl Air sẽ mua 9 máy bay thân rộng, dòng Boeing 787-9 và Airbus 350-900 trong 5 năm đầu hoạt động
Trong năm 2020, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ mua 3 máy bay thân rộng, những dòng “siêu máy bay” hiện đại nhất thế giới hiện nay là Boeing 787-9 và Airbus 350-900. Số lượng “siêu máy bay” sẽ tăng lên 6 chiếc vào năm 2023.
Đến năm 2024, hãng bay cuả người giàu nhất Việt Nam sẽ mua tiếp 3 máy bay thân rộng nữa và duy trì đội bay này tới năm 2025 với tổng số 30 chiếc, trong đó có 9 máy bay Boeing 787-9 và Airbus 350-900.
Theo hồ sơ dự án, khi đi vào hoạt động Vinpearl Air sẽ đồng thời thuê ướt (máy bay và tổ lái) và thuê khô (thuê máy bay) nhằm giải quyết bài toán ngắn hạn. Từ năm 2020, hãng này sẽ đa dạng hóa nguồn cung máy bay và phương thức sở hữu thuê-mua, mua-thuê lại và thuê ướt bổ sung thời vụ.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết quy mô đội tàu bay của Vinpearl Air như đề xuất là phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030.
Bộ này cũng khẳng định kế hoạch của Vinpearl Air là phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cho năm 2020, nhưng đề nghị nhà đầu tư lưu ý khả năng khai thác của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong giai đoạn sau năm 2020.
Sau khi thẩm định dự án hàng không này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư với thời gian hoạt động là 50 năm.
Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.Hà Nội chịu trách nhiệm về các nội dung thẩm định hồ sơ dự án theo văn bản gửi Bộ này theo quy định của pháp luật, đảm bảo Vinpearl Air có điều kiện thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư. Đặc biệt, giám sát việc huy động vốn của Vinpearl Air theo tiến độ thực hiện dự án.
Với Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển đội bay phải phù hợp với quy hoạch, năng lực quản lý giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, năng lực khai thác, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không...
Đối với hãng bay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Bộ KH&ĐT yêu cầu chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo về dự án, hiệu quả đầu tư dự án; chỉ được kinh doanh hàng không khi đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và chịu trách nhiệm về các cam kết của mình theo quy định của pháp luật...
Tờ trình Thủ tướng cũng có nội dung lưu ý Vinpearl Air cần rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn của một số hãng hàng không đang khai thác để xây dựng phương án kinh doanh hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả đầu tư.