Thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2024 đến nay, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, làm chết và tiêu huỷ nhiều gia súc, gia cầm; đặc biệt đã xảy ra 92 ổ dịch dại chó tại 28 tỉnh, thành phố.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục; hiện nay, dịch viêm da nổi cục tại huyện Lộc Hà và dịch tả lợn Châu Phi tại các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ chưa qua 21 ngày.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến việc nuôi, quản lý chó, mèo; (còn tình trạng giao chỉ tiêu tiêm phòng chưa đúng đối tượng, không sát tổng đàn thực tế; tỷ lệ tiêm phòng các bệnh tại nhiều địa phương còn đạt thấp; công tác tổ chức, triển khai và kiểm tra, quản lý về nguồn gốc, bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm phòng tại một số địa phương chưa đảm bảo.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc tập trung tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, để chủ động kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời khẩn trương chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đợt 1 năm 2024.
Trong đó, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã tiếp tục rà soát tổng đàn hiện có để tiêm phòng đảm bảo tối thiểu 80% đàn gia súc, gia cầm được tiêm đủ, đúng loại vắc xin phòng bệnh.
Thành lập đoàn, kiểm tra công tác tiêm phòng tại các xã, phường, thị trấn để chỉ đạo, chấn chỉnh các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, thiếu quan tâm chỉ đạo, tổ chức, triển khai công tác tiêm phòng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, sử dụng vắc xin không rõ nguồn gốc xuất xứ… theo quy định pháp luật.
Tuyên truyền vận động để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y; thực hiện đúng quy định về nuôi, quản lý chó, mèo, nhất là việc tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại, không để chó thả rông, khi đưa chó ra nơi công cộng phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người xung quanh (đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và quy định về xử phạt đối với các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn để giám sát, hướng dẫn công tác tiêm phòng, quản lý, sử dụng vắc xin đúng chủng loại, nguồn gốc, chất lượng; cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định; kỹ thuật tiêm phòng đảm bảo; kịp thời xử lý các trường hợp gia súc bị phản ứng sau tiêm phòng...
Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo tổ chức kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống dịch bệnh động vật và tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi tại các địa phương; tham mưu, cung ứng các loại vật tư, dụng cụ, vắc xin đảm bảo phục vụ công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; theo dõi, tổng hợp công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại các địa phương, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, Sở NN&PTNT để hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.