Với lịch sử phát triển lâu đời, hiện nay hươu sao Hương Sơn đã hoàn toàn thích nghi với các điều kiện về tự nhiên, khí hậu và tập quán chăn nuôi của người dân Hà Tĩnh. Theo kết quả của đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu tập tính sinh học và một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi hươu sao tại Hà Tĩnh” do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh triển khai cho thấy: Hươu sao rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của tỉnh Hà Tĩnh (đặc biệt là ở Hương Sơn), trong chăn nuôi hươu sao rất ít bị bệnh (ngoài một số bệnh thường gặp như: tụ huyết trùng, bệnh đường ruột).
Cùng với sự phong phú, đa dạng về nguồn thức ăn cũng như giá trị mang lại từ nhung hươu, hiện nay nghề chăn nuôi hươu sao tại Hà Tĩnh đã và đang phát triển mạnh mẽ. Riêng tại huyện Hương Sơn, tổng đàn hươu trên địa bàn năm 2023 là 44.623 con, sản lượng nhung hươu đạt 17,65 tấn. Với tính chất đặc thù về sản phẩm, nhung hươu Hương Sơn cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý.
Ngoài Hương Sơn, một số địa phương khác cũng đã phát triển chăn nuôi hươu như: Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, thành phố Hà Tĩnh... Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nghề chăn nuôi hươu còn rất lớn. Tuy nhiên hiện nay các công trình, kết quả nghiên cứu KHCN về nhung hươu còn rất hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu.
Theo GS.TS Phạm Quốc Long – thành viên Hội đồng khoa học Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên (Hà Nội), các nghiên cứu dược lý chứng minh rằng, gạc nhung có nhiều chức năng như điều hòa miễn dịch, chống ung thư, chống mệt mỏi, chống loãng xương, chống viêm, chống oxy hóa, thúc đẩy hoạt động tái tạo chữa lành vết thương… Do đó, cần được quan tâm nghiên cứu về khai thác và phân lập các thành phần hoạt tính sinh học của gạc nhung, cũng như cơ chế sinh lý liên quan đến tác dụng điều trị để các sản phẩm từ nhung hươu được chấp nhận làm “thuốc chữa bệnh”.
GS.TS Phạm Quốc Long cho rằng, để làm được điều này, trước tiên Hà Tĩnh cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Tiếp đó cần tiêu chuẩn hóa các khâu nguyên liệu; tiêu chuẩn hóa thành phần hoạt chất và nghiên cứu tác dụng dược lý gạc nhung hươu; xây dựng công nghệ đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao giá trị sử dụng và tiến tới thực hiện công bố sản phẩm, chứng nhận hợp quy, hội nhập thị trường.
Cùng chung quan điểm việc ứng dụng các công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nhung hươu chưa phát triển, PGS. TS Nguyễn Duy Thuần - Nguyên Phó Giám đốc Học Viện Y Dược cổ truyền Việt Nam cũng khẳng định, hiện các sản phẩm từ nhung hươu, lộc, giác chủ yếu vẫn là các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nên thị trường vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, theo y học cổ truyền, lộc nhung có tác dụng bổ thận dương, bổ sung máu và tinh chất, tăng cường xương và cơ bắp, do đó, nó có khả năng điều trị vô sinh, sợ lạnh, tứ chi lạnh, yếu chi dưới, đau thắt lưng, ù tai và thính lực kém...
Bởi vậy, nhiệm vụ cấp thiết trước mắt là cần nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm là thuốc để nâng cao giá trị của nhung. Trong đó, có thể nghiên cứu các sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ với các dạng bào chế hiện đại, phong phú hơn về thành phần và tác dụng (nhung kết hợp với sâm Việt Nam, nấm đông trùng, linh chi, yến sào…).
Ông Trần Mạnh Hùng – Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành (Sở KH&CN) cho biết, thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập ngành KH&CN Hà Tĩnh (5/6/1959-5/6/2024), sở sẽ tổ chức hội thảo khoa học để có giải pháp nâng cao giá trị nhung hươu. Đồng thời tổ chức trưng bày để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chế biến từ nhung hươu Hương Sơn và một số sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh.
Từ những kế sách của các chuyên gia, nhà khoa học, Hà Tĩnh sẽ có giải pháp phù hợp nhằm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để khai thác tối đa tiềm năng sản phẩm nhung hươu. Trước mắt, các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tăng cường giới thiệu, chuyển giao các công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm từ nhung hươu; thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu về sản phẩm nhung hươu; chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đặc biệt là thu hoạch nhung (cắt nhung) nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời tiếp tục phát triển các mô hình chăn nuôi hươu với quy mô lớn, theo hướng hàng hóa; đặc biệt chú trọng công tác nâng cao chất lượng về con giống. Tiếp tục khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị từ chăn nuôi, chế biến đến tiêu thụ; đẩy mạnh công tác quảng bá, phát triển thị trường; kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.