Mô hình chăn nuôi thỏ liên kết với doanh nghiệp của gia đình anh Dương Công Kiểu (xã Thạch Đồng - TP Hà Tĩnh) cho lãi ròng trên 25 triệu đồng/tháng.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh Nguyễn Chính Hùng cho biết: Thành phố đang trên hành trình đô thị hóa mạnh mẽ, quá trình này tác động đến nhiều mặt của KT-XH, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp địa phương. Phát triển nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp tối ưu để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như những vấn đề liên quan khác phục vụ cho sự phát triển của thành phố. Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp UBND thành phố, Sở KH&CN Hà Tĩnh đưa nhiều chính sách, đề tài, dự án, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp đến với người dân. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, trung tâm nỗ lực đưa kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thân thiện với môi trường.
Để đảm bảo môi trường, TP Hà Tĩnh chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Năm 2016, ước tính có gần 300 tấn phân hữu cơ thành phẩm được đưa vào sản xuất, tạo sự lan tỏa trong nhân dân về phong trào sử dụng men vi sinh để sản xuất phân bón, tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp. Mới đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN) thử nghiệm sử dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại nhằm xử lý phân, chất thải một cách triệt để, tạo môi trường trong sạch, có lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của gà; đồng thời, giúp giảm công vệ sinh chuồng trại hàng ngày, giảm chi phí phòng trừ bệnh. Việc áp dụng vào thực tiễn bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Theo ông Dương Thanh Hải - cán bộ kỹ thuật chăn nuôi Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh): “Với mô hình nuôi gà đẻ 10 nghìn con, vấn đề xử lý môi trường luôn gây khó khăn, nhưng khi sử dụng chế phẩm sinh học để làm đệm lót sinh học, vấn đề này đã được giải quyết triệt để, phân gà không còn phát mùi, đảm bảo môi trường xung quanh và sức khỏe người chăn nuôi. Công ty giảm nhân công, tăng lợi nhuận, gà giảm nguy cơ nhiễm dịch bệnh”.
Bên cạnh đó, nhiều giống cây, con, kỹ thuật sản xuất mới đã được người dân tiếp cận. Việc triển khai dự án nuôi cá chim vây vàng thương phẩm nhằm đa dạng đối tượng nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tìm hướng đi mới cho những vùng nuôi thủy sản kém hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy các ngành nghề có liên quan phát triển, tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống, có hàm lượng dinh dưỡng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều kỹ thuật nuôi tôm cũng đã được chuyển giao trực tiếp tới người dân, chuyển dịch từ quảng canh đến thâm canh. Mô hình chăn nuôi thỏ liên kết với doanh nghiệp cũng bước đầu đạt được hiệu quả. Được bao tiêu sản phẩm, người dân mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi, mở rộng quy mô.
Anh Dương Công Kiểu (thôn Đồng Thanh, xã Thạch Đồng) chia sẻ, dù gia đình có nhiều diện tích đất để phát triển chăn nuôi, tuy nhiên, đã thử nghiệm nhiều giống khác nhau nhưng do thiếu kỹ thuật nên không đạt được hiệu quả kinh tế. Được sự hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố, gia đình mạnh dạn đầu tư chuồng trại, nuôi 300 con thỏ nái. Đến nay, chỉ với khoảng 400 m2, mỗi tháng, gia đình thu lãi ròng trên 25 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chính Hùng cho biết thêm, kết quả việc ứng dụng, chuyển giao KHKT đã thúc đẩy sản xuất, người dân mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế lớn. Chỉ tính năm 2016, đã có gần 150 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế đô thị hội tụ các tiêu chí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần tạo môi trường sinh thái, giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống.