Thời gian này, nhiều vùng trồng hành bước vào cao điểm của vụ thu hoạch. Là một trong những hộ có diện tích trồng hành tăm khá lớn ở thôn Làng Ngùi (Vượng Lộc, Can Lộc), ông Tôn Văn Trường cho biết: Trong thời điểm này, gia đình chúng tôi huy động hết nhân lực, 4 người đều ra đồng. Mỗi ngày, chúng tôi “bới” được khoảng 60 kg hành củ, thu về hơn 2 triệu đồng.
Ông Trường cho biết thêm: Với 5 sào trồng hành lấy củ, năng suất đạt 5 tạ/sào, giá bán tại nhà ở thời điểm hiện tại là 35 ngàn đồng/kg, vụ hành năm nay, tôi thu về gần 90 triệu đồng.
Củ hành tăm khá nhỏ, dễ lẫn vào đất và bị dập nên người dân chọn cách thu hoạch thủ công: Dùng muỗng hoặc dao nhỏ đào lên sau đó dùng tay nhặt.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này, nhiều gia đình ở thôn Làng Ngùi (Vượng Lộc) huy động mọi thành viên trong gia đình ra đồng thu hoạch. (Trong ảnh: Bà Tôn Thị Tựu, 73 tuổi, ở thôn Hồng Lĩnh giúp con thu hoạch hành).
Dù mỗi ngày có thể kiếm được tiền triệu, nhưng ngoài việc kỳ công chăm sóc trước đó từ 5-6 tháng, công việc thu hoạch hành củ khá vất vả khi người nông dân phải ngồi bệt trên ruộng cả ngày, dùng tay bới đất, nhặt củ.
Được biết, cánh đồng trồng hành tăm của thôn Làng Ngùi có diện tích khoảng 15 ha. Trước đây, người dân trồng lúa hoặc các loại rau màu khác hiệu quả kinh tế rất thấp. 5 năm trở lại đây, từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con đã tiến hành trồng cây hành tăm. Những năm qua, cây hành tăm đã thay đổi cuộc sống của người dân.
Không chỉ ở thôn Làng Ngùi (Vượng Lộc), vụ thu hoạch hành tăm lấy củ cũng đang diễn ra ở một số cánh đồng khác ở Can Lộc, như: Cứu Quốc (Thuần Thiện), Quyết Thắng (Thiên Lộc)... Chị Trần Thị Thắm, thôn Cứu Quốc (Thuần Thiện) cho biết: So với năm ngoái, nhờ thời tiết thuận lợi nên năm nay hành tăm cho năng suất cao hơn, giá cũng tốt hơn. Chúng tôi thu hoạch được bao nhiêu, thương lái đến tận nhà lấy hết chừng đó.
Chị Thắm cũng chia sẻ, 3 sào hành tăm lấy cho củ thu nhập 50 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Xây dựng nông thôn mới đồng thời gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương đúng đắn, giúp nông dân tìm ra được “mỏ vàng” trên cánh đồng của mình. Riêng xã Vượng Lộc, nhờ chuyển đổi sang chuyên canh cây trồng phù hợp mà nhiều thôn đã tìm được hướng đi đúng, đổi đời cho người nông dân. Như: thôn Hồng Lĩnh chuyên canh cây rau giống, thôn Làng Ngùi trồng hành tăm...