Xây… từ nền tảng văn hóa
4.800 năm, độ lùi thời gian khó đong đếm cụ thể đã mở ra trí tưởng tượng phong phú về vùng đất đầy biến động ngày trước, mà ngày nay có tên là Thạch Lạc (Thạch Hà). Bằng chứng cồn sò điệp tại di chỉ khảo cổ học đã khẳng định con người di cư theo hướng lấn dần ra biển, hình thành phương thức sản xuất kết hợp giữa đánh bắt cá biển, làm ruộng và săn bắn một thời.
Chùa Tăng Phúc nằm cạnh khu mộ người Việt cổ, tạo thành quần thể di tích gồm lăng mộ, đền Sắc, chùa....
Tương truyền, ngày trước, biển ăn sâu vào đất liền đến tận Cồn Sò, ngày nay đã lùi dần cách xa hơn 5 km, với điểm tựa nơi đầu sóng là thôn Bắc Lạc. Thời gian phủ vùi, cồn sò điệp ẩn chứa trong lòng nhiều giá trị chưa thể khai thác hết dù các nhà khảo cổ nước ngoài, viện nghiên cứu trong nước nhiều lần thám sát, khai quật vào các năm: 1937, 1962, 2003, 2007, 2015…
Nếu như bên trong các lớp sò điệp cất giữ nhiều bí mật, thì ngoài bề mặt, cồn sò kết tạo thành điểm tựa chắc chắn cho những công trình mang hoài niệm quá khứ, chứa đựng giá trị tâm linh. Trên nền đất sò điệp, cùng với việc xây cất khu mộ người Việt cổ, cha ông đã khéo chọn địa thế để dựng nên đền Sắc, chùa Tăng Phúc và thời đổi mới có thêm đài tưởng niệm liệt sỹ. Những người định hướng quy hoạch của xã cũng khéo hiểu tâm ý của nhau, dù bao thế hệ vẫn xác định không gian quần thể gồm: Các di tích tại cồn sò, nối tiếp là chợ Chùa, trụ sở và sân vận động xã, các trường học (mầm non, tiểu học, THCS)… tạo thành lối kết cấu xưa - nay, tâm linh - trần thế. Hẳn, ít địa phương có vẻ đẹp quy hoạch, hội tụ đủ đầy nhiều yếu tố như vậy!
Việc nghiên cứu hiện vật tại di chỉ Thạch Lạc góp phần làm sáng tỏ những con đường hình thành nền văn hóa Đông Sơn, văn minh Việt cổ. (Trong ảnh: những hiện vật thu được tại di chỉ Thạch Lạc trong lần khai quật năm 2015).
Không chỉ củng cố nền tảng văn hóa bằng các công trình hiện hữu, cấp ủy, chính quyền và người dân còn dày công sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu về các địa chỉ văn hóa, giữ cho muôn đời. Bởi vậy, Lịch sử Đảng bộ xã đã được xuất bản; đền Sắc đã hoàn thành hồ sơ, chờ ngày công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; sưu tầm tư liệu về Phật giáo trên địa bàn và Tăng Phúc tự - ngôi chùa có từ thời vua Lê Minh Tông, thế kỷ XVII.
Nâng tầm lễ hội
Hàng trăm năm qua, ngày 15/6 âm lịch, xã Thạch Lạc lại tổ chức lễ Kỳ phúc lục ngoạt gắn với lễ tế đền Sắc (còn gọi là đền Trung). Đền Sắc (ngày trước là nơi chứa sắc phong nên người dân quen gọi đền Sắc hoặc nhà Sắc) là điểm thờ Nhị lang Long Vương, một trong ba vị Long Vương có nhiều công tích trong bảo vệ đất nước, che chở cho dân. Trước đây, xã Thạch Lạc có 3 đền thờ tam vị Long Vương: Đền Thượng thờ Nhất lang Long Vương, đền Hạ thờ Tam lang Long Vương và đền Trung.
Đền Sắc - nơi tổ chức các nghi lễ Lễ hội Kỳ phúc lục ngoạt
Đền Sắc được khởi dựng từ thế kỷ thứ XVI. Đến năm 1927, nhân dân trong vùng và chức sắc các giáp tôn tạo lại bằng vật liệu vôi đá như hiện nay, đồng thời rước thần vị của Nhất lang và Tam lang Long Vương về phối thờ. Bởi vậy, đền trở thành nơi thờ thần Tam lang. Gắn với thần, nhân dân còn lưu truyền nhiều câu chuyện huyền thoại như chuyện ông Mái, bà Mái đẻ ra 3 quả trứng, từ quả trứng nở ra 3 con rồng giữa lòng sông, sáng lên những vầng hào quang lấp lánh.
Ngoài kiến trúc cổ, đền Sắc còn lưu giữ nhiều hiện vật như: Kiệu võng, long đình, hoành phi, câu đối và 87 đạo sắc phong, 1 thần tích từ triều Lê đến triều Nguyễn. Khi còn tại thế, cụ Dương Xuân Định - người có công sưu tầm về văn hóa, lịch sử xã trò chuyện với tôi: “Trước đây, việc tổ chức lễ hội Kỳ phúc do chức sắc, kỳ hào cùng nhân dân 4 giáp (giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam, giáp Bắc) thực hiện. Làng cũng ban 1 con trâu, giao cho một gia đình nuôi, yêu cầu chăn dắt, không được thả rông. Trước khi giết thịt làm lễ tế, trâu được tắm rửa sạch sẽ đưa vào yết chầu Đức Thánh”.
Vẻ đẹp của đền Sắc nhìn từ những kết cấu bên ngoài
Kế thừa và phát triển giá trị văn hóa, năm 2019, lễ Kỳ phúc lục ngoạt xã Thạch Lạc được nâng tầm theo quy mô cấp huyện. “Năm nay, nhân dịp 10 năm đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc, lễ hội được huyện xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động. Ngày 14 và 15/7, tại sân vận động xã, vòng chung kết bóng đá thiếu nhi huyện sẽ diễn ra và tối 16/7 sẽ tổ chức đêm văn nghệ. Phần lễ tổ chức ngày 16 và 17/7 (tức ngày 14, 15/6 âm lịch) gồm: Lễ yết, lễ chính. Xã Thạch Lạc cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các tiểu ban. Địa phương cũng sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ vào ngày 16/7” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Quốc Hương cho hay.
Khu vực cổng vào Di chỉ khảo cổ học Thach Lạc đang được đầu tư, tôn tạo để phát huy giá trị văn hóa
Từ một lễ hội do các giáp chung tay, đến nay, huyện phối hợp địa phương tổ chức cho thấy giá trị văn hóa vừa được trao truyền đầy đủ, vừa được phát triển với nhiều kỳ vọng. Địa phương đang tận dụng nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội và cả thư tín… để lễ hội trở thành ngày “về nguồn” của nhân dân, con em xa quê. Những ngày qua, nhiều con em đã rộng lòng đóng góp xây dựng các hạng mục di tích, chung tay xây dựng nông thôn mới. Khía cạnh khác, lễ hội còn chở thêm thông điệp gửi du khách gần xa, mong biết đến một Thạch Lạc đang khai thác giá trị tâm linh thành sản phẩm du lịch.