Chị Phan Thị Mai (thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) sẽ phơi khô và cất trữ thay vì bán lúa tươi.
Thu hoạch xong, chị Phan Thị Mai (thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) gọi thương lái ra mua lúa hè thu ngay tại chân ruộng. Vậy nhưng, khi nghe báo giá thu mua, vợ chồng chị Mai quyết định thuê xe khuân lúa về nhà. Tranh thủ đợt nắng này, vợ chồng chị sẽ phơi khô và cất trữ thay vì bán lúa tươi.
Chị Phan Thị Mai cho biết: “Lúa tươi bán tại chân ruộng chỉ được 4.500 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg. Với giá lúa này, nông dân chúng tôi gần như không có lãi vì năm nay giá phân bón cũng tăng”.
Lúa của người dân xã Kim Song Trường (Can Lộc) được thương lái thu mua tại chân ruộng.
Trong khi đó, dù biết giá thu mua giảm mạnh, nhưng anh Nguyễn Thái Sơn (thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường, Can Lộc) lại lựa chọn bán luôn lúa tươi vì không đủ sân bãi để phơi cất trữ.
“Năm nay, gia đình tôi sản xuất 19 sào lúa hè thu, chủ yếu là giống BT 09. Đây là giống lúa chất lượng cao nên thương lái thu mua với giá 5.100 đồng/kg, cao hơn so với các loại lúa Khang dân 18, Xuân mai 12... Tuy nhiên, giá này cũng thấp hơn gần 10 giá (1.000 đồng/kg) so với năm ngoái” – anh Nguyễn Thái Sơn cho hay.
Là vựa lúa của tỉnh, những ngày này, bà con nông dân huyện Đức Thọ đang tích cực ra đồng để thu hoạch 1.200 ha lúa “chạy lụt” và dự kiến từ 5 - 10/9 sẽ bước vào cao điểm thu hoạch hơn 3.000 ha lúa còn lại.
Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: “Theo ghi nhận trên thị trường, trà lúa “chạy lụt” với các loại giống đại trà... có giá tương đương với các vùng khác và nhìn chung thấp hơn so với mọi năm.
Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo của Đức Thọ tập trung vào trà lúa thâm canh, chất lượng cao như: ST24, ST25, Nếp 98...; địa phương cũng đang tích cực kết nối thị trường, làm việc với các đầu mối trong và ngoài tỉnh để thu mua ngay khi lúa vào thu hoạch từ 5 - 10/9 tới nên hy vọng sẽ có giá tốt".
Thương lái Nguyễn Thị Chiên (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) gọi điện nhiều nơi đều nhận được lời “khước từ” chưa bán vì giá lúa quá thấp.
Theo một số thương lái chuyên thu mua lúa trên địa bàn Hà Tĩnh, giá lúa hè thu đầu vụ năm 2021 thấp hơn rất nhiều so với năm trước nên người dân ít bán lúa tươi hơn. Thời điểm này năm ngoái, chị Nguyễn Thị Chiên – chủ cơ sở thu mua lúa gạo Sơn Chiên (thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) đã đặt mua được trên 600 tấn lúa. Vậy nhưng, hiện nay, chị Chiên đã gọi điện nhiều nơi nhưng đều nhận được lời “khước từ” chưa bán vì giá lúa quá thấp.
Chị Nguyễn Thị Chiên thu mua lúa cho người dân địa phương.
Chị Nguyễn Thị Chiên phân tích: “Doanh nghiệp ngoài Bắc hiện chỉ mua lúa tươi với giá 4.800 đồng/kg nên chúng tôi cũng chỉ mua cho dân được với giá 4.500 đồng/kg. Đây là mức giá thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Nguyên nhân khiến giá lúa thấp là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trước đây, nếu chỗ này mua giá thấp thì chúng tôi có thể tìm kiếm chỗ khác nhưng hiện nay đầu mối thu mua rất hạn chế. Nhiều đầu mối là bạn hàng lâu năm với nông dân Hà Tĩnh hiện đang trong vùng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nên không thể vào địa bàn được. Ít người mua nên nông dân sẽ bị ép giá".
Xuất khẩu gạo của Công ty TNHH KC Hà Tĩnh (xã Thạch Đài, Thạch Hà) giảm mạnh, 8 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 2 tháng của năm ngoái
Ngoài nguyên nhân do dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam với giá rẻ hơn đã ảnh hưởng đến thị trường của doanh nghiệp trong nước. Do vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gạo buộc phải giảm giá để cạnh trạnh, từ đó đã ảnh hưởng đến giá thu mua nguyên liệu.
Xưởng chế biến gạo của HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến lúa gạo lớn tại Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (xã Thạch Bình – TP Hà Tĩnh) cho biết: Giá cước vận chuyển hiện nay khoảng 3 triệu đồng/10 tấn, cao hơn 1 triệu đồng so với năm 2020. Đã vậy, việc thu mua lúa ở các vùng thực hiện phong tỏa do dịch COVID-19 hết sức khó khăn, chi phí phát sinh lớn (phí xét nghiệm cho lái xe) nên thương lái cũng không mấy mặn mà trong việc thu mua lúa hè thu năm 2021.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhiều người lựa chọn phơi khô lúa để chờ được giá thay vì bán lúa tươi.
Với giá lúa hiện tại, nhiều người dân Hà Tĩnh lựa chọn phơi khô lúa để cất trữ và chờ cơ hội giá tăng mới xuất bán. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng cần thận trọng, tính toán kỹ các phương án để đảm bảo “hạt vàng” do mình làm ra được thu mua với giá hợp lý nhất.