Sau khi sinh con gái đầu lòng vào năm 2010, chị Ngô Thị Nhung (38 tuổi, trú xã Thạch Châu, Lộc Hà) tiếp tục sinh thêm 3 con (1 nam, 2 nữ) vào các năm 2014, 2021, 2022. Việc sinh liên tiếp khiến sức khỏe của chị Nhung giảm sút rõ rệt, đặc biệt là sau khi sinh con thứ 3 ở tuổi 35 và con thứ 4 ở tuổi 36.
Chị Nhung không tìm được công việc ổn định, một phần cũng do sức khỏe yếu, chị chỉ có thể đi làm thuê thời vụ nên thu nhập hết sức bấp bênh. Mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu đến từ công việc làm thợ mộc của chồng chị Nhung nên cuộc sống vẫn khó khăn.
Chị Nhung chia sẻ: “Vì sức khỏe của tôi giảm sút rõ rệt cùng với gánh nặng kinh tế sau khi sinh con thứ 4 nên vợ chồng tôi đã quyết định dừng lại, không sinh thêm con. Với sự tư vấn của các cộng tác viên dân số, vợ chồng tôi đã áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Hiện, gia đình tập trung chăm lo cho các con và làm việc để phát triển kinh tế”.
Còn với chị Đ.T.H (SN 1983, trú xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ), do mong ngóng có con trai nên chị đã quyết định sinh con thứ 4 ở độ tuổi 41. Từ khi có thai, chị H. thường cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe giảm sút so với những lần mang thai trước vì tuổi đã khá cao. Chị H. cho biết: “Dù trong suốt thai kỳ, con phát triển bình thường song khi cận kề ngày sinh, tôi vẫn rất lo lắng vì không thể lường trước những nguy hiểm khi sinh ở độ tuổi 41”.
Việc sinh con muộn của chị Nhung hay chị H. cũng là câu chuyện của không ít phụ nữ tại Hà Tĩnh. Theo Chi cục Dân số Hà Tĩnh, năm 2023 có 3.175 phụ nữ sinh con từ độ tuổi 35 - 49, chiếm 19,2% trong tổng số sinh.
Nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng sinh con muộn là do áp lực kinh tế ngày càng tăng, phải chờ tiết kiệm đủ tiền mới sinh con. Nhiều người lại có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân trước rồi mới tính đến chuyện sinh con. Ngoài ra, với tư tưởng phải có con trai để “nối dõi” nên nhiều cặp vợ chồng đã quyết định sinh thêm con ở độ tuổi ngoài 35 dù biết có thể gây nhiều nguy hiểm cho mẹ và bé.
Theo nghiên cứu của giới chuyên môn, về mặt sinh học, phụ nữ độ tuổi từ 20 đến trước 30 là thời điểm dễ thụ thai nhất, chất lượng trứng cũng tốt nhất. Nếu phụ nữ sinh con sau 35 tuổi có thể gặp nhiều biến chứng trong quá trình mang thai như: sảy thai, sinh non… Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi thì con sinh ra có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn, thậm chí có thể mắc hội chứng Down.
Việc sinh con muộn ở những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên cũng ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu dân số, khi tỉ lệ sinh thấp, quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn và tạo gánh nặng về an sinh xã hội. Việc con quá nhỏ trong khi bố mẹ đã lớn tuổi cũng gây ra áp lực cho mỗi gia đình trong việc chăm sóc con cũng như chăm sóc người cao tuổi. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc sinh con và sinh con muộn sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.
Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền tiền hôn nhân cho các cặp vợ chồng trẻ, giúp họ nhận thức được việc sinh con trong độ tuổi từ 20 đến 30 là tốt nhất và nêu những hệ lụy khi sinh con sau tuổi 35.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp tránh thai cho các cặp vợ chồng đã sinh con sau năm 35 tuổi. Theo đó, các cặp vợ chồng nên cân nhắc sinh con trước năm 30 tuổi bởi thời điểm này, sức khỏe của cả hai vợ chồng đang ở giai đoạn tốt nhất.
Bên cạnh đó, thời điểm từ 25 tuổi đến trước 30 tuổi là lúc phụ nữ đã đủ trưởng thành, công việc, kinh tế cũng đã ổn định để sẵn sàng làm mẹ. Sau khi sinh con, chị em trong độ tuổi này cũng hồi phục nhanh hơn và dễ dàng bắt đầu một công việc mới. Về mặt xã hội, nếu mỗi thế hệ cách nhau 20 đến 25 tuổi sẽ đảm bảo nguồn lao động.