Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Cuba (12 - 17-10-1995) - Ảnh: TTXVN
Bản lĩnh vững vàng
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và sau này chỉ huy diệt Pôn Pốt, Đại tướng Lê Đức Anh luôn làm tốt vai trò của một cán bộ chỉ huy tài ba và đầy bản lĩnh. Từ khi được giao làm Tư lệnh Quân khu 9, Đại tướng Lê Đức Anh đã tập trung xây dựng lực lượng chính quy làm nòng cốt, mũi nhọn tấn công; xây dựng lực lượng dân quân, du kích thành mặt trận thiên la địa võng khắp Quân khu, làm cho quân địch khiếp sợ.
Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu tại Hà Nội vào năm 1997
Còn nhớ năm 1973, sau khi ký Hiệp định Pari, Mỹ rút quân, lợi dụng thời cơ, Đại tướng Lê Đức Anh đã ra lệnh tấn công bất ngờ đánh địch phá thế trận “cài răng lược” mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng Nam Bộ và tạo thế bao vây thành phố Sài Gòn.
Sau khi thống nhất nước nhà, ta chủ trương chuyển quân đội sang làm kinh tế và cho xuất ngũ một bộ phận lớn, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn giữ lại các sư đoàn và trung đoàn chủ lực của Quân khu 9. Chính nhờ vậy, khi Pôn Pốt cho quân xâm lược biên giới, lực lượng này đã kịp thời ra mặt trận. Đại tướng Lê Đức Anh được giao làm tổng chỉ huy chiến trường. Ông đã có công rất lớn trong cuộc chiến đấu tiêu diệt bọn diệt chủng, giải phóng Campuchia khỏi thảm họa Pôn Pốt.
Sau này khi làm Chủ tịch nước, ông đã trực tiếp chỉ đạo và có những ý kiến kiên quyết trong việc chống “giặc nội xâm” tham ô, tham nhũng. Ông đã cùng với các đồng chí Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt góp phần quan trọng vào chủ trương thực hiện sự nghiệp đổi mới giữ vững độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bình thường quan hệ ngoại giao với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ…
Phong cách dân chủ
Là một Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng khi sang làm Chủ tịch nước, ông không còn mang phong cách nhà binh, phong cách của một vị tướng. Tôi rất may mắn vào thời gian này những khi đi họp ở Trung ương, hay những lúc được tiếp xúc với ông, thấy ở ông một con người có phong cách gần gũi, chân tình của người đồng chí, người anh. Khi nào ông cũng hỏi đến đời sống của dân, ông nói, ông thương Hà Tĩnh tỉnh nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá, thiên tai nặng nề, ông động viên chúng tôi hãy cố gắng làm việc lo cho dân được việc gì hay việc ấy.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh tới thăm bà Trần Thị Em ở xã Thạch Quý, thị xã Hà Tĩnh (nay là phường Thạch Quý- Thành phố Hà Tĩnh) trong một chuyến công tác tại Hà Tĩnh. Ảnh Tư liệu
Còn nhớ lần vào thăm Hà Tĩnh, ông đề xuất đi thăm vùng nào nghèo và khó khăn nhất. Tôi đã đưa ông vào thăm huyện Kỳ Anh, luôn thể giới thiệu với ông về quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng. Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu, hỏi thăm một vài điều, ông chau mày nói nhỏ nhẹ nhưng nghiêm túc: Các đồng chí lưu ý đây là vị trí địa lý có tầm chiến lược đối với an ninh, quốc phòng của đất nước. Ông hứa sẽ về làm việc với Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng giúp tỉnh làm quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng, nhưng nhớ đây là vị trí đắc địa thuộc tầm quản lý quốc gia. Sau đó, ông cử Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Phạm Văn Trà - Tổng Tham mưu trưởng vào làm việc với tỉnh trước khi trình Chính phủ quyết định phê duyệt Khu kinh tế Vũng Áng.
Khi ngồi cùng xe, ông dân chủ trao đổi với tôi nhiều chuyện của đất nước, trong đó có chuyện phức tạp về người di tản. Thấy ông cởi mở nên tôi mạnh dạn nói với ông, hay là ta đừng ngăn cấm nữa để cho họ đi trong trật tự sẽ có lợi về nhiều mặt… Ông im lặng một thoáng rồi nói vấn đề này còn nhiều ý kiến quá, nhưng về tôi sẽ phản ánh đề xuất của anh, xem đây là ý kiến từ cơ sở.
Có lần nghe tin ông ốm, tôi và đồng chí thư ký Nguyễn Bá Bốn ra thăm. Ông không nằm ở bệnh viện mà nằm tại nhà công vụ. Ông bảo bệnh ông chưa phải nằm bệnh viện, phiền các đồng chí lo lắng, ở nhà điều trị có vợ con, các cháu chăm sóc ấm cúng. Mặc dầu đang bệnh, ông vẫn dành thời gian hỏi thăm tình hình Hà Tĩnh và không quên nhắc đến Khu kinh tế Vũng Áng. Lời ông nhắc tôi còn nhớ mãi: “Các đồng chí nhớ làm kinh tế nhưng ở vị trí ấy phải hết sức chú ý đến quốc phòng và an ninh quốc gia”.
Được biết, mấy năm nay sức khỏe ông yếu đi, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy ông xuất hiện ở các sự kiện lớn của đất nước nên vẫn đỡ lo. Hôm nay nghe tin ông qua đời, tôi vô cùng bàng hoàng. Thế là đất nước và Đảng ta mất đi người con, người đồng chí ưu tú hết mực trung kiên; một vị tướng tài ba, một lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh